10:35:43 | 7/10/2019
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia luôn là nhiệm vụ quan trọng được Nhà nước, Chính phủ và toàn hệ thống nỗ lực thực hiện.
Chủ trương, chính sách liên tục và nhất quán
Với chủ trương “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, sau 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế. Đồng thời, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Đó là kết quả từ chủ trương và chính sách đúng mức, liên tục và nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị, các cơ quan đại diện cho doanh nghiệp như VCCI, các tổ chức hiệp hội, và bản thân doanh nghiệp (DN), doanh nhân…
Bắt đầu từ điểm mốc là Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/11/2001 về hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2005 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 48 –NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tiếp theo là Nghị quyết số 49 -NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020…
Đây chính là cơ sở nền tảng cho việc tạo dựng hàng loạt cơ chế chính sách của Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: Quốc hội ban hành Hiến pháp 2013 với các điều khoản quan trọng về hội nhập quốc tế, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; Các luật quan trọng về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, quốc gia đã được ban hành, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Đấu thầu 2013…
Bên cạnh nỗ lực kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các luật do Quốc hội ban hành; Chính phủ cũng đồng thời ban hành các nghị quyết quan trọng; đó là: Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020; Nghị quyết 19/2014/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước; Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 đề ra những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tổng kết, đánh giá công tác thực hiện hàng năm; Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Ngày 1/1/2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đã có những tác động to lớn, nhiều mặt đến thế và lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; tạo sức ép và điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, DN và sản phẩm.
Năng lực cạnh tranh ở mức trung bình khá
Trong Nghị quyết số 02/NQ-CP đã nêu rõ: Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc (bậc 1) so với năm 2016. Trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc (bậc 2), Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc (bậc 3), Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc (bậc 4). Các chỉ số khác: Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc (bậc 5), Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc (bậc 6)...
Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được DN và người dân ghi nhận.
Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm. Đặc biệt một số chỉ số bị tụt hạng mạnh so với khu vực và thế giới như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp năm 2018 giảm 8 bậc (bậc 7) so với 2016, ở vị trí cuối bảng xếp hạng; Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 7 bậc (bậc 8)...
Trong Báo cáo “Doing Business 2019” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 10-2018, sự thăng hạng cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam có điểm tổng tăng từ 66,77 (năm trước) lên 68,36 với tốc độ tăng liên tục bốn năm gần đây. Tuy nhiên nếu so sánh trong ASEAN, thứ hạng 69 của Việt Nam còn cách khá xa so với Sinapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15) hay Thái Lan (thứ 27)... Trong điều kiện CPTPP đã có hiệu lực, so sánh với 10 quốc gia khác trong CPTPP, Việt Nam là quốc gia đứng cuối cùng, sau cả Peru, Chilê.
Từ góc độ DN, Nghị quyết 02/NQ-CP nhận định: đã có “hơn 50% DN đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 19 cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố); Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index (do Bộ Nội vụ công bố);...
Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế
Việt Nam đã xác định, hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược để xây dựng và bảo vệ đất nước, coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập các lĩnh vực khác từng bước mở rộng; nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng, thực hiện các chuẩn mực chung bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Nhận thức sâu sắc hơn yêu cầu giải quyết một cách thỏa đáng mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế và giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn các đặc điểm của môi trường quốc tế cũng như các hệ thống công cụ, quyền lực được sử dụng để chi phối, kiểm soát trong quá trình hội nhập quốc tế. Cả thế giới đang diễn ra cao trào hội nhập quốc tế với tốc độ nhanh và các lĩnh vực ngày càng mở rộng, dẫn tới sự tùy thuộc lẫn nhau tăng lên. Hội nhập quốc tế là quá trình phức tạp, vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Khi xu hướng phát triển bền vững, sáng tạo đang nổi lên với sức hấp dẫn, lôi cuốn và lan tỏa khắp thế giới và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang diễn ra; tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế cũng cần thay đổi. Ngày nay, phát triển bền vững, sáng tạo đã trở thành một hướng đi mới thiết thực mà quốc gia nào cũng thấy cần thiết để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu trước mắt, cũng như lâu dài. Phát triển kinh tế theo hướng bền vững, sáng tạo là xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, có cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và bảo đảm độ an toàn cần thiết. Đó là nền kinh tế phát triển bền vững và có năng lực cạnh tranh cao; cơ cấu xuất, nhập khẩu cân đối; đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong một số ngành kinh tế, nhất là những ngành kinh tế quan trọng, chiếm một tỷ lệ không thể chi phối được nền kinh tế; hạn chế hoặc không cho phép đầu tư nước ngoài vào những ngành nhạy cảm...
Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế cần thiết đi cùng với các giải pháp hiệu quả để giải quyết được các mục tiêu: Đổi mới công tác phân tích, dự báo; Xử lý những yếu kém tồn đọng, “điểm nghẽn” trong mô hình phát triển cũ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Thiết lập những yếu tố cho một mô hình tăng trưởng mới, theo hướng bền vững, sáng tạo, bao trùm; Khuyến khích áp dụng công nghệ, nuôi dưỡng đổi mới, sáng tạo để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới và quá trình hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện chất lượng quản trị quốc gia.
Tính đến nay, đã có hơn 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hội nhập kinh tế quốc tế thành công đã tạo thêm nội lực cho đất nước. Việt Nam đang tiếp tục hội nhập mạnh mẽ với tinh thần đổi mới dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chuyển biến rõ ràng của bộ máy hành chính theo hướng có trách nhiệm giải trình, thiết lập các cơ chế đối thoại liên tục nhằm giám sát nền hành chính công, dỡ bỏ những rào cản xuất hiện trong quá trình thực thi chính sách…
Nguyễn Thanh