10:10:34 | 26/1/2011
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện là một trong những địa điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tình hình thu hút đầu tư vào đây thời gian qua?
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập và xây dựng từ năm 1998 với tổng diện tích gần 1600 ha. Với ý tưởng của các nhà lãnh đạo Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đây sẽ là một thành phố khoa học như mô hình tại một số quốc gia trên thế giới (Thung lũng Sillicon, Khu Khoa học Tân Trúc,…).
Trong những năm qua, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kêu gọi đầu tư do hệ thống giao thông kết nối Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với Trung tâm Hà Nội chưa đảm bảo được yêu cầu, hạ tầng trong Khu (điện, nước, viễn thông…) chưa được đồng bộ và đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng có nhiều lúc tưởng như không giải quyết được. Có thể nói, thời điểm hiện nay, về cơ bản, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có những thay đổi, cụ thể:
Một là, trong “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản” năm 2006, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Việt Nam đã thống nhất Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 1 trong 3 dự án trọng điểm nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Hai là, JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) thông qua nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản đã giúp xây dựng quy hoạch chung điều chỉnh và được Chính phủ Việt Nam phê duyệt năm 2008 với các Khu chức năng: Nghiên cứu Triển khai, Giáo dục Đào tạo, Công nghiệp công nghệ cao, Dịch vụ tổng hợp, Khu Trung tâm...
Ba là, JICA tiếp tục hỗ trợ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt với tổng số vốn ODA cam kết là khoảng 59 tỷ Yên và được chia thành 2 giai đoạn. Hiện nay, giai đoạn I về thiết kế kỹ thuật đang được triển khai với tổng số vốn khoảng 1,005 tỷ Yên. Nếu như việc triển khai ODA của Chính phủ Nhật Bản và ngân sách Nhà nước theo đúng tiến độ và yêu cầu thì hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được đảm bảo và trong tương lai sẽ trở thành thành phố khoa học như mong đợi.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay đã trở thành một trong nhiều địa điểm được các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết tới. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã trở thành thành viên Tổ chức các khu khoa học Châu Á (ASPA), Tổ chức các Khu khoa học thế giới (IASP) và đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều khu khoa học trên thế giới như Khu Khoa học Tân Trúc (Đài Loan), Khu Khoa học ICRISAT (Ấn Độ), Khu khoa học Daedeok Innopolis (Hàn Quốc).
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được Chính phủ phê duyệt các chức năng, nhiệm vụ mới và đã tổ chức 01 bộ máy mới đảm bảo theo đúng khẩu hiệu “Hãy đặt mình vào vị trí của Nhà đầu tư”.
Mặc dù cơ sở hạ tầng chưa thật tốt, cơ chế chính sách còn chưa hoàn thiện, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 52 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay có 13 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đi vào hoạt động và 6 dự án đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, một loạt các dự án tiềm năng đang được chờ xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trong năm 2011, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến thu hút khoảng 12-15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ đô la Mỹ.
Ngoài việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc còn là một trong những đơn vị hàng đầu về sát hạch công nghệ thông tin với khoảng 12.000 lượt thí sinh được sát hạch, tỷ lệ đạt yêu cầu khoảng 13%.
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao (HBI) thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng đang là một trong những trung tâm ươm tạo hàng đầu của Việt Nam. Hiện có 08 nhóm đang ươm tạo tại Trung tâm, 05 nhóm ươm tạo vệ tinh và 02 nhóm đã tốt nghiệp. Nhiều công nghệ tiên tiến đang được ươm tạo và phát triển tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, Trung tâm hiện đang hoàn thiện thủ tục để ươm tạo hoặc tiền ươm tạo cho khoảng 15 nhóm khác (trong đó có khoảng 12 nhóm thuộc chương trình “Nhân tài Đất Việt”).
Khi hàng loạt các doanh nghiệp đi vào sản xuất, đòi hỏi rất đông nguồn nhân lực chất lượng cao, và nếu không chuẩn bị trước thì sự thiếu hụt sẽ là đương nhiên, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư?
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số bộ/ngành khác đã xây dựng một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khu và chiến lược này đã được trình bày tại hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì vào tháng 4/2009. Mặt khác, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã ký Biên bản ghi nhớ với các trường đại học lớn của Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và một số các viện nghiên cứu về việc cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, Ban Quản lý đã ký thỏa thuận với các nhà đầu tư lớn trong việc cùng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực công nghệ cao như Viettel, Vinashin, Foxconn, IDG (Hoa Kỳ)..
Hiện nay, trong Khu Giáo dục và Đào tạo, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chuẩn bị điều kiện để xây dựng 03 – 04 trường Đại học (trong đó dự kiến có 01 trường Đại học liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam) và một số Trung tâm đào tạo (trong đó có Trung tâm đào tạo trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc). Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng có chủ trương cho phép có những cơ sở đào tạo chuyên sâu và sau đại học trong Khu Nghiên cứu và Triển khai.
Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, năm 2011 sẽ có khoảng 1000 sinh viên học tập tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, vậy cần có những chiến lược, giải pháp như thế nào để thực hiện tốt vai trò của mình?
Chúng tôi cho rằng để trở thành một thành phố khoa học trong tương lai (dự kiến năm 2020), cần tập trung chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt đối với một số công tác như:
Một là, chậm nhất là đến năm 2015, công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng bằng vốn ODA và ngân sách Nhà nước phải được hoàn thiện.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và thủ tục hành chính, chuyên nghiệp hóa hơn nữa, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý. Thực hiện cơ chế “Một cửa, một dấu, một chữ ký và trong một thời gian sớm nhất”.
Ba là, có các biện pháp, giải pháp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, những ưu thế, lợi thế của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhân dịp năm mới 2011, xin gửi lời chúc may mắn, hạnh phúc và thành công tới bạn đọc và các nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Trung Hiếu - Trần Trang
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI