Hoạt động của các KCN, KKT năm 2010 và định hướng phát triển trong thời gian tới

07:19:24 | 9/3/2011

Trong năm 2010, tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT có những bước khởi sắc sau thời gian chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tiền tệ thế giới.

ảnh: Internet

Về tình hình thành lập KCN và quy hoạch KCN:

Trong năm 2010 (tính đến đầu tháng 12/2010), cả nước có 21 KCN được thành lập mới và mở rộng với tổng diện tích đất tự nhiên tăng thêm là 3.958 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký của 21 dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Hiện tại, cả nước đã có 255 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 69.253 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt trên 45.000 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 171 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 43.580 ha và 84 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 25.673 ha.

Theo Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, dự kiến thành lập mới 115 KCN và mở rộng 27 KCN với tổng diện tích gần 32.000 ha. Sau một thời gian thực hiện Quyết định nêu trên, một số KCN đã được thành lập và một số KCN đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020. Tính chung từ nay đến năm 2020, số KCN quy hoạch thành lập đến năm 2020 là 209 KCN với tổng diện tích 64.310 ha.

Về tình hình thu hút đầu tư vào KCN:

Tính đến đầu tháng 12/2010, các KCN trên cả nước đã thu hút được tổng cộng 4.250 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 215 dự án mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3.031 triệu USD và 212 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 1.219 triệu USD.

Về tình hình thu hút đầu tư trong nước, trong gần 12 tháng đầu năm, các KCN đã thu hút được 294 dự án với tổng vốn đăng ký 37.479 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 75 dự án với tổng vốn tăng thêm 5.305 tỷ đồng. Như vậy, trong gần 12 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt hơn 42.478 tỷ đồng.

Tính lũy kế đến đầu tháng 12/2010, các KCN cả nước đã thu hút được 3.900 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 54 tỷ USD và 4.664 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 310 nghìn tỷ đồng (tính tiêng cho các dự án thứ cấp trong KCN). Tổng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của 255 KCN trên cả nước đạt gần 3 tỷ USD và gần 110.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của các KCN trên cả nước đạt khoảng 50%, riêng các KCN đã vận hành đạt tỷ lệ l p đầy khoảng 65%.

Về tình hình sản xuất kinh doanh:

Đến tháng đầu tháng 12/2010, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong KCN đạt gần 20 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư đăng ký; vốn thực hiện của các doanh nghiệp trong nước trong KCN đạt 140 nghìn tỷ đồng, chiếm 45% tổng vốn đầu tư đăng ký. Có 3.300 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và khoảng 3.500 dự án đầu tư trong nước đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN đến tháng 12/2010 đạt khoảng 1 tỷ USD (dự án có vốn đầu tư nước ngoài) và gần 50 nghìn tỷ đồng (dự án đầu tư trong nước), chiếm tương ứng 35% và 45% so với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư trong nước.

Trong gần 12 tháng, các doanh nghiệp KCN đạt doanh thu gần 19 tỷ USD và 25400 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu 11,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu 10,1 tỷ USD và nộp ngân sách gần 1,4 tỷ USD.

Các KCN hiện thu hút được 1,5 triệu lao động trực tiếp.

Về tình hình xử lý nước thải, bảo vệ môi trường KCN:

Hiện có 105 KCN đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 61% tổng số KCN đã vận hành; 34 KCN đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Về tình hình xây dựng và phát triển các KKT:

Đến nay đã có 15 KKT ven biển được thành lập, gồm: 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An; Vũng áng, tỉnh Hà Tĩnh; Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế; Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Hòn La, tỉnh Quảng Bình và Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên và 3 KKT ở đồng bằng sông Cửu Long là KKT Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang; KKT Định An, tỉnh Trà Vinh và KKT Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tổng diện tích của 15 KKT là 662.249 ha.

Trong năm 2010, các KKT ven biển thu hút được hơn 30 dự án đầu tư nước ngoài, kể cả các dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất và dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Các KKT cả nước hiện thu hút được gần 700 dự án trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng áng, KKT Dung Quất gồm nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Quảng Liên, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn và Vũng áng, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong... Nhìn lại quá trình phát triển KCN trong năm 2010 có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Về kết quả đạt được:

- Trong năm 2010, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT đã đạt được những kết quả khả quan, dần phục hồi tốc độ tăng trưởng so với giai đoạn trước khủng hoảng.

- Cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT đã dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp cho các Ban quản lý KCN, KKT thực hiện quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực.

- Ban quản lý các KCN, KKT đã dần ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới được phân cấp.

- Các KCN, KKT đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế-lao động theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm.

- Các địa phương có điều kiện thuận lợi đã chủ động định hướng thu hút các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương; các dự án có hàm lượng công nghệ và vốn cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Về một số khó khăn, hạn chế:

- Vấn đề bảo vệ môi trường KCN tuy đã được cải thiện, song vẫn còn một số KCN, doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Việc phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN, KKT của các cơ quan Nhà nước chưa thật chặt chẽ.

- Cơ cấu đầu tư, lao động trong các KCN, KKT chưa thực sự hợp lý, hàm lượng công nghệ, lao động tri thức trong các KCN, KKT còn hạn chế.

- Công tác quy hoạch KCN và tuân thủ các điều kiện quy hoạch, thành lập KCN của các địa phương còn hạn chế.

- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số KCN còn gặp khó khăn, không hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

- Vấn đề nhà ở, điều kiện sống, làm việc của người lao động trong KCN vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.

- Công tác xây dựng hạ tầng KKT còn chậm; huy động các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng KKT còn gặp nhiều khó khăn.

Một số định hướng phát triển KCN, KKT trong thời gian tới:

- Phát triển KCN, KKT gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo tính bền vững.

- Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.

- Quy hoạch KCN gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư và các quy hoạch ngành đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư, điều kiện sinh hoạt, ăn ở và dịch vụ khác phục vụ cho doanh nghiệp KCN và người lao động trong KCN.

- Phát triển về số lượng và quy mô KCN cần phù hợp và hài hoà với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN.

- Tập trung phát triển các KKT ven biển đã thành lập, kiên quyết không thành lập thêm các KKT ven biển khi chưa đủ điều kiện.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo chặt chẽ Ban quản lý KCN, KKT thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước KCN, KCX đặc biệt là công tác triển khai quy hoạch, quản lý đầu tư, phát triển KCN, KKT; đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, vận động, xúc tiến đầu tư theo chương trình, kế hoạch đồng bộ, hiệu quả.

- Nghiên cứu tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển KCN, KCX, KKT để đúc rút những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tới nhằm xây dựng, phát triển mô hình KCN, KCX, KKT và các mô hình tương tự phù hợp hơn với xu hướng phát triển trên thế giới và đặc điểm riêng của Việt Nam, nâng cao hiệu quả và đóng góp của KCN, KCX, KKT vào phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về KCN, KCX, KKT để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với KCN, KCX, KKT, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ của UBND, Ban qun lý KCN, KKT, kiện toàn bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về KCN, KCX, KKT ở cấp Trung ưng nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành trong quản lý Nhà nước đối với KCN, KCX, KKT.

Nguồn: Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam