09:29:52 | 29/3/2021
Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc doanh nghiệp chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để xuất khẩu không còn là một sự lựa chọn, mà là giải pháp bắt buộc để tồn tại và phát triển. Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.com đang phát huy vai trò hỗ trợ hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ba Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết vào năm 2020 với Liên minh châu Âu (EVFTA), khu vực ASEAN và các đối tác (RCEP), và Vương quốc Anh (UKVFTA) mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số để xuất khẩu trực tuyến, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng các giải pháp và công nghệ tiên tiến.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kết thúc năm 2020 thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, tuy thấp hơn so với dự báo nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng cao. Việt Nam cũng là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Một số doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả hình thức xuất khẩu thông qua TMĐT. Đơn cử, theo bà Đoàn Thúy – giám đốc kinh doanh xuất khẩu của Công ty TNHH Glovimex, doanh thu khi bán hàng theo hình thức TMĐT của công ty đã tăng gấp 2 lần so với phương thức truyền thống trong 3 năm qua, tiết kiệm chi phí hơn so với hình thức tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, đồng thời tiếp cận nhiều khách hàng và ký kết thêm nhiều đơn hàng.
Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế Công ty Thái Bình - Thái Thiên Hạo chia sẻ, thông qua các cơ sở dữ liệu trên nền tảng TMĐT, công ty đã phân tích thói quen mua hàng của các nhà nhập khẩu trên thế giới. Qua đó, đã tiếp cận hơn 100 khách hàng/tháng và đã có đơn hàng xuất khẩu trị giá hơn 100 nghìn USD.
Do tiềm năng lớn của xuất khẩu “online”, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thông qua môi trường thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu.
Mới đây, Bộ Công Thương đã hợp tác với Alibaba.com để hỗ trợ kỹ thuật tập trung cho hai đối tượng chính là các tổ chức xúc tiến thương mại và các DNNVV Việt Nam về chuyển đổi số. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Alibaba.com là một trong những kênh thương mại điện tử uy tín toàn cầu với hơn 260 triệu nhà mua hàng trên phạm vi 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh và bán hàng tới khách hàng trên toàn thế giới. Vì vậy, việc hợp tác với các đối tác lớn như Alibaba.com triển khai các giải pháp tổng thể về xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu đang mang đến cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Sáng kiến hợp tác của Bộ Công Thương và Alibaba.com này sẽ hỗ trợ các DNNVV Việt Nam trong ba lĩnh vực chính: Tham gia nhanh hơn vào các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là nền tảng Alibaba.com để thiết lập phạm vi tiếp cận toàn cầu; Tiếp cận các giải pháp được thiết kế riêng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh; Cung cấp các dịch vụ phù hợp để giúp các DNNVV tăng cường khả năng thương mại trực tuyến.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, chương trình hợp tác với Alibaba gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp nhằm tư vấn trực tiếp và kết nối doanh nghiệp với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình. Qua đó, hoạt động đã thu được các kết quả đáng khích lệ với hơn 1000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực TMĐT và hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn thành công trong các ngành như nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói…
Ông Zhang Kuo –Tổng Giám đốc của Alibaba.com nhấn mạnh việc hợp tác với các đối tác tại Việt Nam và trên toàn cầu để hướng tới mục tiêu đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) hơn 100 tỷ USD đến năm 2024. Alibaba.com dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 10 triệu DNNVV trên khắp thế giới, và có trên 10.000 nhà cung cấp đến từ Việt Nam hoạt động thương mại B2B trên Alibaba.com.
Qua nghiên cứu, Alibaba.com nhận thấy rằng, điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất ngày càng cải thiện về chất lượng và số lượng, danh mục sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. “Một số ngành hàng của Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, bao gồm thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn và xây dựng”, Ông Zhang Kuo phân tích.
Với mục tiêu cam kết hỗ trợ 10.000 DNNVV Việt Nam trong 5 năm và đẩy mạnh chuyển đổi số, trong năm 2021, Alibaba.com sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, cung cấp các dịch vụ và giải pháp trực tuyến phù hợp và hiệu quả. Hiện tại, hai bên đã tổ chức các lớp đào tạo cho các DNNVV tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ mở rộng ra Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Dương, Sơn La, Quy Nhơn và Buôn Mê Thuột.
Ngoài ra, ông Zhang Kuo khẳng định Alibaba.com sẽ liên tục xây dựng quan hệ đối tác với các hiệp hội, đối tác kinh doanh và ngân hàng với mục tiêu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật số, kỹ năng vận hành, quản lý khách hàng và hoàn thành đơn hàng.
Các chuyên gia từ Alibaba cũng cho biết doanh nghiệp nên tìm cụ thể các hướng dẫn và quy tắc do sàn TMĐT quốc tế đặt ra, nắm bắt luật pháp của bên bán và bên mua để tránh rủi ro.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI