08:39:03 | 15/4/2021
Ngày 15 tháng 4 năm 2021 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020. Sự kiện thường niên lớn nhất của chương trình PCI được tổ chức trên cả hai hình thức trực tiếp và phát sóng trực tuyến trên mạng xã hội.
Qua 16 năm liên tiếp, báo cáo PCI phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Báo cáo PCI năm 2020 không chỉ truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về những chuyển động của môi trường kinh doanh trong nước giai đoạn 2016-2020 vừa qua, mà còn định vị sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư và phản ánh kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới.
Năm nay, báo cáo cũng phân tích chi tiết về tác động của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm cung cấp đầu vào cần thiết cho các cơ quan chính quyền và các tổ chức hỗ trợ phát triển trong việc xây dựng triển khai các chính sách sát thực tế nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra.
Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2020 đưa ra những phân tích, nhận định về động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, một định hướng lớn của Đảng và Chính phủ đặt ra gần đây trong việc nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vì sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Thời gian qua, loạt báo cáo PCI đã chuyển tải các thông điệp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp tới chính quyền các cấp ở Việt Nam về yêu cầu cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính và tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đã có nhiều chuyển biến tích cực diễn ra ở Việt Nam trong thời gian qua. Từ chỗ ít được để ý và xem trọng, công việc cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại hầu hết các địa phương. Từ chỗ chiếm số lượng ít ỏi, vị thế còn khiêm tốn, hiện nay số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng nhanh chóng, hướng đến con số 1 triệu doanh nghiệp đăng ký chính thức và là khu vực được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích phát triển. Từ chỗ xếp hạng thấp trong các bảng xếp hạng thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được nâng cao, hướng đến mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. PCI đã đóng góp vào hành trình chuyển đổi quan trọng này của Việt Nam.
Tuy nhiên, điều mà PCI tâm đắc nhất trong những năm qua chính là đã trao quyền cho các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, tạo ra được một kênh để chuyển tải đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp lên các cấp có thẩm quyền liên quan và chủ động thúc đẩy thay đổi. Các chính quyền địa phương giờ đã có đầy đủ thông tin, bằng chứng định lượng để nhận diện, hướng các chương trình cải cách của mình đúng trọng tâm, sát yêu cầu của thực tế. Xây dựng, hoạch định chính sách, thực hiện các chương trình cải cách dựa trên bằng chứng, thông tin định lượng đang dần trở thành một thói quen của nhiều cơ quan nhà nước địa phương tại Việt Nam. Từ PCI, nhiều mô hình cải cách, bài học thành công được tìm ra và đã được nhân rộng ra toàn quốc. Mô hình Café Doanh nhân, một mô hình đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp bán chính thức, bắt đầu tại Đồng Tháp đã hiện diện tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều tra đánh giá DDCI, một phiên bản PCI cấp sở ngành quận huyện, được Quảng Ninh tiên phong thực hiện mạnh mẽ hiện đã nhân rộng ra tại gần 50 tỉnh, thành phố khác. Tất cả đều nhằm lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và giải quyết những vấn đề thực tế đòi hỏi.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI