EVFTA thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng

09:26:29 | 26/5/2021

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 vừa qua đã từng bước xóa bỏ các rào cản về thuế quan, mở rộng cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhanh chóng và hiệu quả vào thị trường EU.

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021 đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 04 tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2020. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Sau gần 9 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, cánh cửa để hàng hoá Việt Nam vào EU đã thực sự rộng mở. Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định EVFTA – từ tháng 8 đến 12 năm 2020, kim ngạch XK của VN sang EU tăng 3,8%. 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 12,55 tỷ USD, tăng 18,1%.

Bộ Công Thương nhận định, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, khiến xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2021 với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những mặt hàng có tăng trưởng XK sang EU cao nhất trong 5 tháng đầu EVFTA có hiệu lực là chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất…

Tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các DN XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử.

Với kim ngạch trao đổi thương mại khoảng 41,3 tỷ USD, EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU. Mặt khác, ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU bên ngoài châu Âu chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam hiện nay là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm máy móc, thiết bị điện, máy bay, xe cộ và dược phẩm. Các mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang EU là điện thoại, các sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may, cà phê, gạo, thuỷ sản và đồ nội thất.

Xuất khẩu thủy sản đã có sự bứt phá trở lại với sự tăng trưởng khá trong 4 tháng đầu năm khi đạt 2,39 tỷ USD về kim ngạch và tăng trên 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có tác dụng xúc tác, kích thích lớn nhất, tăng doanh số xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này bình quân 16% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia dự báo, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Về thị trường, hiện Ý và Đức là 2 thành viên chính của EU quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư rất chặt chẽ với Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ý đạt 914,4 triệu USD trong khi nhập khẩu đạt 505 triệu USD. Ý đứng thứ 9 trong số các nước EU đã đầu tư vào Việt Nam. Đối với nước Đức, hiện quốc gia này đang là đối tác thương mại EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch song phương đã tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm qua. Hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất sang Đức hơn 1 tỷ USD và nhập về 527,8 triệu USD. Cán cân thương mại thặng dư 515,8 triệu USD.Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Đức trong hai tháng đầu năm đạt 846,7 triệu USD, chiếm 81% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng các loại. Trong đó, có ba nhóm hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD.

Bên cạnh đó, thị trường Bắc Âu đang có xu hướng nhập khẩu mạnh mẽ hàng hóa từ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu cho biết, hiện các nước Bắc Âu tiếp tục tập trung nguồn lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ dự kiến tăng mạnh sau một thời gian dài bị kìm hãm. Nhiều dự báo cho thấy, XNK trung bình năm 2021 của các nước Bắc Âu sẽ tăng khoảng 5%, riêng Iceland tăng khoảng 17%.

Có thể nói, trong bối cảnh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, hay việc tăng giá cước tàu biển, sự cố của kênh đào Suez cộng với chi phí vận chuyển tăng cao… hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang châu Âu từ đầu năm đến nay vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực và có sự phát triển khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản…

Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do EVFTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. EVFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)