Việt Nam trực tiếp giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật

10:04:29 | 18/5/2021

Việc Nhật Bản ủy quyền cho Việt Nam giám sát quy trình xử lý khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có thể mở ra tiền lệ cho nhiều loại trái cây khác.

Phỏng vấn của phóng viên với ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

Vừa qua, phía Nhật Bản đã chính thức ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam giám sát toàn bộ quy trình xử lý khử trùng các lô vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thay vì phải cử chuyên gia Nhật Bản sang. Ông có thể cho biết thêm về việc ủy quyền này, thưa ông?


Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT)

 Thời gian qua, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch của Nhật Bản cũng như tham tán của Nhật Bản tại Việt Nam để tăng cường xúc tiến xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Qua nhiều lần đàm phán, chúng ta đang nỗ lực để phía Nhật Bản tiếp tục 'mở cửa' thêm cho những loại trái cây khác của Việt Nam như nhãn. Đồng thời, với tình hình dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, bạn ủy quyền cho các chuyên gia kiểm dịch của Việt Nam thay thế cho các chuyên gia kiểm dịch của Nhật Bản, trực tiếp xử lý khử trùng lô vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Hiện, phía Nhật Bản đã có văn bản chính thức đồng ý cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam giám sát toàn bộ quy trình khử trùng xử lý vải thiều xuất khẩu theo đúng quy định mà hai bên đưa ra trong quá trình đàm phán.

Cục Bảo vệ thực vật đã chuẩn bị như thế nào để việc giám sát các lô vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản được thuận lợi, thưa ông?

Để làm được việc này, những chuyên gia kiểm dịch thực vật của Việt Nam phải nắm chắc quy định của Nhật Bản để làm sao từng bước, từng khâu đáp ứng đúng yêu cầu của phía họ đưa ra.

Các lô vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản xử lý xong phải đảm bảo diệt trừ tất cả các đối tượng kiểm dịch thực vật phía Nhật Bản đang quan tâm. Bên cạnh đó, các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang cũng rất chủ động, không chỉ hướng dẫn nông dân đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phía Nhật Bản đưa ra mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở xử lý vải thiều.

Hiện, tỉnh Hải Dương có 4 cơ sở xử lý vải thiều, Bắc Giang có 2 cơ sở. Qua kiểm tra, đánh giá, chúng tôi thấy các cơ sở đều đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật phía Nhật Bản đưa ra.

Thời gian tới, Cục sẽ cử chuyên gia kiểm dịch thực vật giám sát tại chỗ, sau khi xử lý xong sẽ cấp giấy chứng nhận, niêm phong chuyển ra sân bay xuất sang thị trường Nhật Bản.

Theo kế hoạch, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 5 sẽ phụ trách tỉnh Bắc Giang, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 phụ trách tỉnh Hải Dương. Các chi cục bố trí cán bộ kiểm dịch thực vật thực hiện giám sát xử lý theo quy định và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật kịp thời cho các lô vải xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Đối với các thị trường khác, bố trí cán bộ làm việc cả ngày lễ và ngoài giờ để làm thủ tục kiểm dịch thực vật nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nông sản xuất khẩu, trong đó đặc biệt chú ý các cửa khẩu có lượng vải xuất khẩu lớn. 

Theo ông, việc Nhật Bản ủy quyền cho Việt Nam giám sát xử lý khử trùng vải thiều sẽ tạo ra những thuận lợi gì?

Việc chủ động hoàn toàn khâu kỹ thuật, chủ động lịch trình mà không phải phụ thuộc vào chuyên gia sẽ giúp việc xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản đảm bảo đúng quy định, số lượng nhiều hơn. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí, số lô hàng xuất khẩu.

Hiện tín hiệu thị trường rất khả quan khi các doanh nghiệp đang hồ hởi đăng ký kế hoạch xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản với số lượng tăng đáng kể so với năm 2020. 

Theo tôi, điều quan trọng hơn là việc Nhật Bản chuyển giao toàn bộ quy trình giám sát xử lý khử trùng vải thiều cho Việt Nam đã khẳng định được năng lực kiểm dịch của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam, là tiền đề để tới đây có thể mở ra cơ hội cho một số loại trái cây khác. 

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baochinhphu.vn