09:46:38 | 7/4/2021
Số liệu vừa cập nhật của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.
Tính chung quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%.
Trong quý I có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I/2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 34,3%; thị trường EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 18%; thị trường ASEAN đạt 6,7 tỷ USD, tăng 5,7%; Hàn Quốc đạt 5 tỷ USD, tăng 6,4%; Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, giảm 1,5%.
Về nhập khẩu, tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,05 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50,26 tỷ USD, tăng 31,5%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian gần đây, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, cho tới nay, điểm đáng mừng nhất có thể được ghi nhận, đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ việc tìm các nguồn cung nguyên liệu mới đến các thị trường và khắc phục những khó khăn về đứt gãy của chuỗi cung ứng, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, đạt được thành tích xuất khẩu khả quan.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp cho dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vaccine phòng ngừa.
Những diễn biến gia tăng của dịch COVID-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác. Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.
Tuy vậy, Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các Hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực… Nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá sức chống chịu và thích nghi của các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 đã tăng lên, thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Nhìn vào số liệu ở trên cho thấy, trong hoạt động xuất nhập khẩu, có 11 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỉ USD.
So sánh tỉ lệ với chỉ số tương ứng của quý IV/2020 cho thấy, trong quý I/2021 có 37,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng tăng so với quý trước; 38,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định và số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm chiếm tỉ lệ nhỏ nhất với tỉ số 23,5%.
Nguồn: DDDN
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI