Nới "dây buộc" cho doanh nghiệp nhà nước

09:06:06 | 12/8/2021

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã triển khai các giải pháp tái cấu trúc mạnh mẽ, quyết liệt và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để DNNN tăng trưởng bền vững cần trao cho họ quyền tự quyết cao hơn.

Một trong những doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tái cấu trúc và đạt được kết quả tích cực trong thời gian qua là Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel). Quý II/2021, VnSteel đạt 10.924 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 576 tỷ đồng. Để đạt được kết quả trên, theo ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng giám đốc VnSteel, ngoài thuận lợi từ giá nguyên liệu cơ bản tăng mạnh còn đến từ công tác tái cấu trúc nội tại ở doanh nghiệp.

Tương tự, Tổng công ty Sông Đà - CTCP cũng đã triển khai nhiều giải pháp tái cấu trúc. Cụ thể, ngay sau khi tiếp nhận Sông Đà từ Bộ Xây dựng từ 31/8/2020, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã rà soát các công việc trọng tâm của Sông Đà, tập trung có phương án tài chính để trả nợ khoản vay; chủ trương tham gia đấu thầu Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng; sửa đổi ban hành một số quy chế nội bộ; và thực hiện quyền cổ đông của Sông Đà tại các công ty con, liên kết...

Là một trong những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhờ làm tốt việc tái cơ cấu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có kết quả tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản hàng năm (lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 293 tỷ đồng, năm 2020 đạt 146 tỷ đồng).

Ngoài những thuận lợi trên, hiện khó khăn của các DNNN là phải chịu nhiều quy định khắt khe cả về đầu tư và quản trị tài chính. Ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc SCIC - nhận định, thách thức và trở ngại lớn nhất đối với DNNN là rào cản về cơ chế, chính sách. Ví dụ, cơ chế liên quan đến việc ra quyết định đầu tư, thoái vốn hay đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ cho người lao động.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, cần để DNNN tự quyết định cách thức thực hiện; đừng khống chế họ chi bao nhiêu, mà quan trọng là làm ra bao nhiêu.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng nên loại bỏ quan điểm vốn từ lâu đã gắn với DNNN là đầu tư phải có lãi, trong khi các yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh khó có thể lường trước. Đặc biệt, các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư cần tiếp tục được triển khai, được trao cho DNNN mới có thể kỳ vọng đem đến sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Nguồn: congthuong.vn