08:51:48 | 17/8/2021
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, ngành hải quan đã có nhiều biện pháp cấp bách tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng biển; thông quan nhanh các lô hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19… tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Chỉ đạo kịp thời gỡ ùn tắc hàng hóa tại các cảng lớn
Ngay sau khi phát sinh vấn đề ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan đã có những chỉ đạo kịp thời tại công văn 3847/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan TPHCM phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa. Tiếp đó đã tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị hải quan và doanh nghiệp để triển khai trên thực tiễn.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đồng ý cho hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái được vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn TPHCM và các cảng cạn/ICD tại các tỉnh, thành phố khác để lưu giữ gồm: Hàng hóa NK của các DN tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; hàng hóa NK của các DN tại tỉnh Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần; hàng hóa NK của các DN tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Bên cạnh đó, hàng hóa tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 203/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính được vận chuyển từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã chỉ đạo các đơn vị phải nhanh chóng phối hợp triển khai cho thấy rõ sự chuyển biến, giảm số lượng hàng hóa ùn tắc, để cảng Cát Lái có thể tiếp nhận container hàng ra, vào. Phó Tổng cục trưởng yêu cầu bên cạnh việc thành lập các tổ công tác là chi cục trưởng các chi cục hải quan cần có tổ công tác của Cục kết nối với đầu mối của Tổng cục Hải quan là lãnh đạo Cục Giám sát quan lý về hải quan.
Song song với việc có hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời để giải quyết tình trạng ùn tắc, Tổng cục Hải quan cũng nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội nói chung để đảm bảo cơ sở pháp lý khi thực hiện.
Thông quan nhanh hàng hóa phục vụ công tác chống dịch
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan TPHCM yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất quán triệt đến từng cán bộ công chức tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, tân dược, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm... để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có thái độ phiền hà, kéo dài thời gian thông quan. Trong quá trình giải quyết có phát sinh vướng mắc, các đơn vị kịp thời trao đổi, báo cáo Tổng cục Hải quan bằng điện thoại (Zalo) hoặc Email (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan) để được xem xét, hướng dẫn xử lý.
Tổng cục Hải quan thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện thông quan nhanh hàng hóa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật hải quan.
Đối với việc thông quan hàng hóa tân dược phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh nói chung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cùng với việc đảm bảo chất lượng của hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã có các chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp và tạo điều kiện thông quan nhanh như chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan. Cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt (như: thuốc, vắc xin, sinh phẩm… yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C) về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp.
Hiền Phúc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI