Hiện hữu nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản

07:55:47 | 8/9/2021

Thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu (XK) đến trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… và ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại nguy cơ gãy đổ chuỗi sản xuất, XK thủy sản đang ở ngay trước mắt và ảnh hưởng lớn đến kim ngạch cũng như thị trường XK.

XK giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực

Trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động “3 tại chỗ”, kết quả XK thủy sản tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản. Theo đó, trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.

Tuy vậy, nhờ kết quả XK 7 tháng đầu năm tăng cao nên tính cộng dồn 8 tháng đầu năm, XK thủy sản vẫn tăng khoảng 7,1% so cùng kỳ, đạt 5,58 tỷ USD. Trong đó, XK tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 4%, XK cá tra vẫn giữ tăng trưởng 7%, đạt 980 triệu USD. XK cá ngừ 8 tháng cũng tăng trên 10%, đạt 460 triệu USD. XK mực, bạch tuộc và các loại cá khác (trừ cá ngừ, cá tra) tăng nhẹ 2% và 4%.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, trong gần 2 tháng vừa qua, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện làm việc “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất, do đó công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, khó khăn trong vận chuyển; DN bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, thiếu nguyên liệu sản xuất không đảm bảo tiến độ giao hàng, thủ tục xuất nhập khẩu bị chậm trễ ách tắc, chi phí đầu vào và chi phí vận tải tăng… là những khó khăn chồng chất đối với các DN thủy sản Việt Nam trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19.

Theo VASEP, các DN chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước do đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch bệnh Covid - 19 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.

Từ cuối tháng 7/2021, có tới 50% DN chế biến cá tra tại một số địa phương vùng trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt size do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Tại một số DN nuôi cá tra do thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Theo ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 - 20%.

Một số DN khác tại ĐBSCL ngưng hoạt động thì chuyển hàng từ kho trữ để trả dần đơn hàng cho khách. Tuy vậy, cho tới nay, hầu hết các DN chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho nên đã dừng hoàn toàn.

Tại các địa phương ven biển như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang…, hầu hết các DN đã giảm tối đa công suất chế biến, hoạt động cầm chừng. Cả người dân và DN đều gặp rất nhiều khó khăn do một số cảng cá bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19, tỷ lệ công nhân và người lao động được tiêm vắc xin  rất thấp, chi phí cho hoạt động “3 tại chỗ” quá cao...

Giải pháp tiêm vắc xin và “y tế tại chỗ”

Theo đánh giá, diễn biến dịch Covid -19 trong thời gian tới vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong khi việc triển khai tiêm vắc xin cho lực lượng công nhân tại các KCN, KCX vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và XK thủy sản tháng 9 vẫn ảm đạm.

Trước thực trạng trên, VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiến nghị một số giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn "3 tại chỗ".

Theo đó, việc thực hiện "3 tại chỗ" chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài 2 đến 3 tuần đối với các DN vừa và 4 đến 5 tuần đối với DN lớn, do phải gồng gánh quá nhiều khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất và thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy. Bởi vậy, VASEP kiến nghị trước mắt ưu tiên tiêm vắc xin cho ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "3 tại chỗ" ở các địa phương. 

Về lâu dài, VASEP kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ". 

Theo đó, thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa DN và CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật), các DN sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.  CDC sẽ tổ chức xét nghiệm cho DN 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được tổ chức xét nghiệm 3 lần/tháng. 

Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các DN trong thực hiện “3 tại chỗ” như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm... hướng dẫn các biện pháp an toàn “chặt trong, chặt ngoài” kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho DN và sinh kế cho công nhân, đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy.

Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị có hỗ trợ cho công nhân, người lao động gặp khó khăn và hỗ trợ DN, trong đó hỗ trợ DN với các chính sách cụ thể như: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các DN...

Theo dự báo, XK thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20% (đạt khoảng 660 triệu USD). Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc xin, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ”, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được xuất khẩu khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9 - 4 tỷ USD, cá tra khoảng 1,5 tỷ USD, xuất khẩu hải sản khoảng 3,1 tỷ USD.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)