Xuất khẩu ổn định nhờ các FTA

08:06:45 | 24/8/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Một trong những nguyên nhân là do việc đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết các FTA đã giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh được rủi ro khi có tác động bất thường.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 đối tác, trong đó có 03 FTA thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Xuất khẩu tăng trưởng nhờ FTA

Cơ hội và lợi ích đem lại từ các FTA này là rất tích cực và đã được chứng minh qua các số liệu xuất nhập khẩu kể từ khi các Hiệp định này có hiệu lực. Theo Bộ Công Thương, tính riêng cho 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến hơn 29% . Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%;  gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD tăng 33,75%; rau quả đạt 63,8 triệu USD tăng 12,5%.

Như vậy có thể thấy là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như giày dép, dệt may, các sản phẩm nông, lâm nghiệp như gạo, sản phẩm từ cao su hiện vẫn giữ được phong độ và tận dụng tốt Hiệp định này.

Cũng theo Bộ Công thương trong năm 2020, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt 79 tỉ USD, tăng 1,9% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang các nước CPTPP đạt khoảng 38,7 tỉ USD, nhập khẩu từ các nước này đạt 40,3 tỉ USD. Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP khoảng 1,6 tỉ USD.

Nếu tính riêng 5 nước đã thực thi hiệp định CPTPP là Mexico, Canada, Nhật Bản, Singapore, Úc thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 33,9 tỉ USD, Việt Nam xuất siêu khoảng 3,5 tỉ USD. Đặc biệt các thị trường Mexico, Canada, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt là 11,8% và 12,1%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn sang các nước CPTPP là thủy sản, giày dép, dệt may, hạt tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư FDI.

Năm 2020, vốn đầu tư FDI từ các nước thành viên CPTPP vào Việt Nam đạt 11,6 tỉ USD, tăng 23,4% so với năm 2019. Trong khi vốn đầu tư của các doanh nghiệp EU vào Việt Nam đạt 1,4 tỉ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với Hiệp định UKVFTA, dư địa tăng trưởng cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện đang chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, tới hết quý 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 1,63 tỷ USD. Trong đó, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 1,3 tỷ USD.

Với cơ hội từ các FTA thế hệ mới, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản.

Chủ động kiểm soát các rủi ro

Bối cảnh quốc tế và khu vực hiện đang tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường với những biến động mạnh mẽ và chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển dịch đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng… Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam

Theo các chuyên gia, từ khi thực thi các FTA thì XK tăng rất nhanh, kéo theo độ mở kinh tế quá lớn (đến 200% GDP). Nếu các thị trường nước ngoài có vấn đề thì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ bị tác động và ảnh hưởng lớn, vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý để kiểm soát độ mở của nền kinh tế.

Việc kiểm soát độ mở của nền kinh tế phụ thuộc vào hai yếu tố: tận dụng cơ hội, kiểm soát rủi ro từ FTA và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Xét dưới góc độ tận dụng các cơ hội từ FTA, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước, đẩy mạnh tính liên kết, hợp tác. Ngoài ra, các yếu tố về rào cản kỹ thuật, lao động, môi trường... cũng cần được tiếp cận, tuân thủ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu. Bên cạnh đó cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường.

Theo đại diện từ Vụ Chính sách Đa biên (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ kỹ thuật cũng như công nghệ thông tin trong tiếp cận, tiếp thị thị trường, giao dịch với các đối tác, tạo ra những giá trị thặng dư cao hơn cho doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh nhận định, lực cản lớn nhất để hiện thực hóa cơ hội từ các FTA là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao. Có tới 51,3% DN tự nhận thức được khả năng cạnh tranh của họ còn kém so với đối thủ. Chính vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là yếu tố quan trọng và quyết định thành công trong bối cảnh hội nhập.

Ông Lộc cũng nhấn mạnh sự hậu thuẫn của Nhà nước bằng thể chế rất quan trọng và cần thiết. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các DN nhỏ, siêu nhỏ.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)