QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Xây dựng pháp luật minh bạch, thực chất

16:49:18 | 7/10/2021

Cần minh bạch hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật một cách thực chất và báo cáo lên Quốc hội, tránh trường hợp ý kiến của doanh nghiệp như “hòn đá ném ao bèo” không tạo ra động lực.

Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào ngày 7/10 tại Trụ sở VCCI, Hà Nội.

Tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (thuộc VCCI) cho biết, trong thời gian vừa qua, sự phát triển kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn liền với các dấu mốc Đạo luật quan trọng. Cụ thể, luật doanh nghiệp năm 1999 tạo ra một bước ngoặt đối với sự phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, hay luật đầu tư năm 2005 và quá trình phân cấp sau đó, tạo ra sự bùng nổ với đầu tư tại các tỉnh, thành phố.


Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (thuộc VCCI)

VCCI là cơ quan thường xuyên làm việc, giao tiếp với các cơ quan Quốc hội, cho nên chúng tôi hiểu rõ và thấy những chuyển biến rất mạnh mẽ của Quốc hội. Trong đó, chất lượng hoạt động lập pháp gần đây đã có sự thay đổi hết sức ấn tượng, nhiều đại biểu đã nói về sự chủ động của Quốc hội cao hơn và kỳ vọng Quốc hội lần này sẽ có một kỳ rất khởi sắc”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay, có một số vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật đối với các doanh nghiệp như:

Thứ nhất, một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, tuân thủ pháp luật nào, theo thời điểm hiệu lực ra sao, thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, cơ quan nào có thẩm quyền vẫn là một vấn đề rất lớn. Do đó, các dự án cứ chạy vòng vòng và doanh nghiệp phải mất rất nhiều công để làm thủ tục.

Thứ hai, dưới các luật này lại có các thông tư, nghị định hướng dẫn và mỗi văn bản thay đổi rất nhanh, tạo ra sự chưa đồng bộ, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Chỉ cần một trục trặc trong “ma trận” văn bản này, thì một dự án có thể bị tắc, bị dừng.

Về nghĩa vụ tài chính, trong nhiều phát biểu của các doanh nghiệp cũng nêu ra, ngoài thuế, các doanh nghiệp phải đóng các nghĩa vụ tài chính với mức độ khác nhau. Nếu thống kê lại thì rất cao, gây ra áp lực và kém cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ ba, hệ thống tổ chức doanh nghiệp chưa thống nhất, tiếp cận còn phân mảnh và khác biệt. Cùng là doanh nghiệp, nhưng phần lớn có những doanh nghiệp hoạt động theo luật riêng, như doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá, luật sư hay luật kinh doanh bảo hiểm,... tạo ra sự bất bình đẳng và những trục trặc trong quá trình vận hành.

Thứ tư, vừa qua có rất nhiều mô hình kinh doanh mới, công nghệ tạo ra sự thay đổi lớn, nhưng cách tiếp cận về khuôn khổ pháp lý chưa thống nhất. Cách tiếp cận của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đang không đồng bộ, cho nên vai trò của Quốc Hội là rất quan trọng trong thời gian tới.

Thứ năm, hiện nay xu hướng một số luật đang trao quyền trực tiếp cho các Bộ quá nhiều. Theo luật ban hành thì Thông tư từ các Bộ không được quy định về thủ tục hành chính, không được đặt ra điều kiện kinh doanh, nhưng trong điều luật của Quốc Hội thông qua thì lại giao quyền cho các Bộ quyết định về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh nên chưa đúng tinh thần của luật đầu tư và luật doanh nghiệp.

Tới đây, Quốc hội cần có chương trình rà soát tổng thể, liên quan đến thủ tục hành chính, phí,... Uỷ ban kinh tế hiện nay đang soạn thảo một báo cáo giám sát rất công phu, hi vọng sẽ mở rộng hơn và nên có sự tham vấn rộng rãi của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư

Đồng thời, cần sửa đổi các quy định phù hợp với bối cảnh mới hiện nay. Ví dụ, với doanh nghiệp dược, nếu thuốc không kê đơn thì không được mua trên mạng, phải đến cửa hàng, nhưng điều đó rất bất cập. Hay việc khuyến khích khám chữa bệnh từ xa, nhưng hiện nay luật khám chữa bệnh chưa có cách tiếp cận để thúc đẩy quá trình này.

Chúng tôi cho rằng, cần có cơ chế đánh giá chi phí tạo ra cho bộ máy Nhà nước và cần phải bảo đảm lợi ích quốc gia, tránh lợi ích ngành. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo quy định nên giao cho các cơ quan độc lập, thay vì giao cho cơ quan đang quản lý cấp phép.

Cuối cùng, cần minh bạch hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật, minh bạch, thực chất và báo cáo lên Quốc hội. Cần có giải trình quan điểm, tại sao không tiếp thu để tránh trường hợp ý kiến của doanh nghiệp như “hòn đá ném ao bèo”, không tạo ra động lực”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn: DDDN