Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu của doanh nghiệp

14:04:45 | 17/10/2021

Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2021 “Chuyển đổi số: Từ nhận thức đến hành động” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam - VCCI phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức vừa qua tại Hà Nội đã thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo nhà nước, các bộ, ban ngành, các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân các tỉnh, thành phố và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên cả nước tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Đây là một trong những nỗ lực của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI và UN Women nhằm tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chuyển đổi số, phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và dưới tác động của đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, cùng với sự nghiệp bình đẳng giới, đội ngũ doanh nhân nữ ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh, chiếm khoảng 26,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, đứng thứ 6 trong các quốc gia có số doanh nhân nữ cao nhất. Không chỉ phát triển về số lượng, năng lực, trình độ của doanh nhân nữ và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng không ngừng phát triển, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên tầm quốc gia và khu vực. Các doanh nhân nữ đang tiếp tục vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, để đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phó chủ tịch nước cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế . Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện doanh nghiệp phần lớn là quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nhưng đây là xu thế tất yếu đối với nhiều loại hình doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển.

 “Tôi tin tưởng rằng, các doanh nhân nữ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và sức mạnh mềm của doanh nhân nữ, biến những thách thức thành cơ hội, nhanh nhạy, xác định chiến lược phát triển mới cho doanh nghiệp của mình, đồng lòng đoàn kết tạo ra sức mạnh chung của cộng đồng doanh nghiệp; chủ động tiếp cận chính sách và đóng góp cho việc hoạch định và thực thi chính sách, mang tính hiệu quả, thiết thực; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp trong đó có chuyển đổi số để vươn lên phát triển nhanh và bền vững” - Phó Chủ tịch nước nói.

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, hai năm qua, đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, đã cướp đi sinh mạng trên 5 triệu người, tàn phá nền kinh tế các nước, hàng triệu DN đã ngục ngã, các hoạt động kinh tế bị đứt gãy. Trong bối cảnh này, chuyển đổi số chính là một cứu cánh cho các DN. Thực tế cho thấy, những DN có sức chống chọi tốt nhất với dịch Covid-19 chính là các DN thực hiện chuyển đổi số tốt nhất. Quản trị DN thông minh, vận hành trên nền tảng số, thương mại điện tử, đàm phán, hội họp trực tuyến chính là cách để DN duy trì hoạt động không bị gián đoạn” – Chủ tịch VCCI khẳng định.

Ông Phạm Tấn Công cũng nhấn mạnh, xét theo góc độ chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, hay xét theo góc độ “Động lực Covid-19”, thì giờ đây chuyển đổi số là vấn đề sống còn của DN, chứ không phải là câu hỏi nên làm hay không nên làm.

Theo đánh giá, chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang và sẽ là xu thế tất yếu, đồng thời đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng với đại dịch Covid-19. Để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần luôn không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi “nhận thức” của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời “hành động” để bứt phá vượt qua đại dịch, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm Hài Hoà, việc chuyển đổi không thể vội vàng mà cần có lộ trình và phải bắt đầu chuyển đổi từ tư duy, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động.

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty CP MISA, chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ số vào công việc và cuộc sống hàng ngày và giúp mỗi cá nhân và doanh nghiệp thay đổi cách nghĩ, cách làm và từ đó thay đổi năng suất lao động.

“ Các doanh nghiệp hãy ứng dụng công nghệ số - sẽ giúp giảm đi rất nhiều thời gian. Chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta xử lý công việc chuyên nghiệp, hiệu quả và thông minh hơn. Tôi nghĩ rằng với chị em phụ nữ hãy bắt đầu với chuyển đổi số như vậy” – Nữ CEO của MISA chia sẻ.

Theo bà Thúy, giải pháp “hành động” cụ thể cho các doanh nghiệp nữ  là cần đánh giá lại thực trạng của doanh nghiệp mình, thực chất là cần  điều gì nhất: công tác bán hàng, công tác nhân sự, kế toán hay quản trị sản xuất. Điều gì mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí nhất thì hãy nghĩ đến công nghệ. Tiếp theo, hãy tìm kiếm những nhà cung cấp, công ty công nghệ số - giúp doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt, khi thực hiện cần có tư duy rất rõ ràng về mong muốn, mục tiêu trong lộ trình chuyển đổi số.

Lan Anh (Vietnam Business Forum)