10:12:23 | 17/11/2021
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%, tốc độ tăng CPI bình quân 10 tháng so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 lần lượt là tăng 2,27%, tăng 3,71 %, tăng 3,6%, tăng 2,48%, tăng 3,71% và tăng 1,81%. |
Lạm phát có đáng lo?
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, các yếu tố làm giảm giá tiêu dùng trong thời kỳ giãn cách xã hội không còn tác động trong hai tháng còn lại của năm 2021. Các yếu tố này có thể làm cho chỉ số giá tiêu dùng của 2 tháng cuối năm tăng khá cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng đầu năm nay.
Trong bối cảnh lo ngại lạm phát quay trở lại, theo ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lạm phát có thể tái diễn trở lại, nhưng không nên quá lo ngại câu chuyện này, với một số lý do sau:
Thứ nhất, chúng ta nhìn thấy giá cả của thế giới như giá xăng dầu hay logistics và các loại nguyên liệu đầu vào ở Việt Nam nhập khẩu căn bản tăng, trở thành chi phí đẩy, nhưng đó là câu chuyện cảm nhận trong hiện tại. Trong khi đó, tổng cầu của Việt Nam vẫn rất yếu liên tục trong bốn tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng âm, người lao động không còn thu nhập và doanh nghiệp đang rất yếu không thể phục hồi trong trước mắt.
Thứ hai, chúng ta đã nhìn thấy một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì không quá lo ngại khi lạm phát đến hơn 4%, nếu tăng trưởng duy trì được ở mức 6,5-7% thì vẫn tốt hơn rất nhiều. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong giai đoạn những năm 1991, 1998, lạm phát vẫn ở mức năm 6% nhưng tăng trưởng trên 8%.
Ngoài ra, những năm vừa qua, Chính phủ điều hành vĩ mô đã tốt hơn, dự trữ ngoại tệ khỏe hơn rất nhiều, gần 100 tỷ USD, điều đó chứng tỏ các cân đối vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn.
Thứ ba, năm 2022 chưa đáng lo ngại khi lạm phát quay trở lại, kể cả có quay trở lại thì Việt Nam cũng chấp nhận nhập khẩu lạm phát và chấp nhận một mặt bằng giá mới. Một năm có thể tăng lên 4%, nhưng sang năm sau nữa, toàn bộ mặt bằng giá mới với nguyên liệu đầu vào và lạm phát sẽ trở lại bình thường.
Thứ tư, tốt nhất phải ưu tiên số một là bơm tiền ra để cứu doanh nghiệp, với gói như thế nào, dung lượng bao nhiêu thì có hai khía cạnh bao gồm: Một là điều hành của NHNN và của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có mô hình lập trình sẵn, bơm tiền ra liều lượng phải tối thiểu 8% GDP. Hai là phải bơm thật nhanh, còn nếu để sang năm 2022 mới bơm, tạo ra độ trễ thì có khi lúc đó lạm phát còn bung ra cao hơn mới đáng lo ngại.
Giải pháp hỗ trợ nền kinh tế
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay có những luồng ý kiến khác nhau như là chỉ nên hỗ trợ từ 3-4% GDP trong 2 năm, bởi vì khả năng hấp thụ của nền kinh tế rất thấp và lượng tiền thật bung ra cũng rất ít. Do đó, cần phải cân đối được hai việc, đó là tung ra gói hỗ trợ có hấp thụ được không và nguồn tiền ở đâu ra?
Chính phủ cần có cách để tiếp cận giải pháp, hướng trọng tâm vào câu chuyện giải cứu doanh nghiệp phục hồi (ảnh minh hoạ)
Có thể thấy đến nay, đa số doanh nghiệp đều cần tiền, vì vậy phải có một liều lượng đủ mạnh, trong khi các nước khác còn bơm từ 20-30%, thậm chí 40-50%GDP, trong khi nền kinh tế của mình quá yếu, không hấp thụ nổi 5-6%, thì trong vấn đề này, cần phải tìm cách khai thông.
Theo tôi, ông Thiên nói, 8-10% GDP không phải chỉ để bơm cho doanh nghiệp, mà phân bổ trong khoảng bốn gói như sau:
Gói dành cho y tế, trong tổng thể chương trình phục hồi, cần đảm bảo an toàn y tế, như bơm tiền mua vaccine, mua thiết bị y tế mà những chi phi này, Bộ Y tế và Chính phủ đang tính để lường được các nhu cầu.
Gói dành cho an sinh xã hội, lâu nay cứ thực hiện theo cách phát cho mỗi người một tháng 1 triều đồng, nhưng giải pháp đó không ổn. Việt Nam phải đặt an sinh xã hội một cách bền vững để kích cầu. Trong khi lực cầu nền kinh tế đang rất yếu, mà kinh tế thị trường cầu nội địa yếu, thì doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhiều cho thị trường Việt Nam sẽ gặp khó khăn.
Gói hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, cho các chủ thể kinh tế có thể phân làm hai loại loại: Một là gói chung cho tất cả các doanh nghiệp được hưởng như giảm giá điện, giá nước, giảm phí, giảm lãi suất,...nếu ngân hàng không giảm thì Nhà nước phải phải đứng ra giảm. Những phần chi phí chung liên quan đến áp lực tài chính và chi phí tài chính cho doanh nghiệp cần phải thực hiện ngay.
Gói hỗ trợ hạ tầng đầu tư công, thêm vào đó có hạ tầng số, định hướng cho những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các lĩnh vực này nhu cầu là vô tận, nhưng cũng cần phải định hướng ưu tiên và chắc chắn không thể thực hiện như năm ngoái.
“Sau đó, chúng ta sẽ tính đến nguồn ở đâu để giải quyết. Trong vấn đề này, NHNN và Bộ Tài chính phải tính được cái “kho” của mình, thông qua cách nào có thể khai thác các nguồn khác, như trái phiếu Chính phủ vì đây là lúc có thể vay được và đi liền với đó là cam kết của Chính phủ. Bên cạnh đó, vay quốc tế cũng khá thuận lợi, không có gì khó khăn. Hàm ý cơ bản lúc này là không có thì phải đi vay để vực nền kinh tế dậy. Đây là lúc không chịu khó thì đất nước chịu chết”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo vị PGS, hiện nay, năng lực trả nợ và nghĩa vụ thanh toán của Việt Nam đang “mon men” báo động đỏ, nhưng chưa đến mức nguy hiểm. Do đó, vẫn phải có cách để tiếp cận giải pháp, hướng trọng tâm vào câu chuyện giải cứu doanh nghiệp phục hồi.
Nguồn: DDDN