Đưa du lịch Sơn La thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

21:18:52 | 23/11/2021

Ngành Du lịch Sơn La đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 về tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Sơn La thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La về vấn đề này. Trần Trang thực hiện. 

Ông có thể cho biết đâu là yếu tố giúp Sơn La không chỉ hấp dẫn nhiều du khách mà còn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch trong những năm gần đây?

Sơn La có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và mang đậm dấu ấn riêng có: Địa hình núi xen thung lũng và có nhiều hồ thủy điện trên địa bàn nên khí hậu chia thành nhiều tiểu vùng đặc trưng, nhất là tiểu vùng khí hậu mát mẻ từ 18-21 độ, rất phù hợp phát triển du lịch ở cao nguyên Mộc Châu, Tà Xùa - Bắc Yên, Ngọc Chiến - Mường La... Những núi đá vôi tạo nên hệ thống hang động kỳ thú như hang Dơi, Ngũ động bản Ôn (Mộc Châu), hang Nhả Nhung, Chi Đảy (Yên Châu)… Hệ thống núi, sông, suối cũng tạo nên nhiều cảnh quan đẹp như Thác Dải Yếm (Mộc Châu), Thác Tạt Nàng (Vân Hồ), Sống lưng khủng long, Pu Nhi (Bắc Yên), đỉnh Pha Luông (Mộc Châu)... đặc biệt là lòng hồ sông Đà mênh mông với hàng trăm đảo lớn, đảo nhỏ.

Sơn La còn có 12 dân tộc anh em chung sống và lưu giữ giá trị văn hóa đậm bản sắc vùng Tây Bắc. Đó là hàng ngàn cuốn sách chữ Thái cổ, Dao cổ chứa đựng những bản trường ca, sử thi, lịch sử xây dựng bản mường…; những điệu xòe Thái, múa chuông Dao, múa khèn, ô dân tộc Mông,… và nhiều làn điệu dân ca Khắp Thái, Đang Mường và dân ca Mông... Đó là các lễ hội đặc sắc như Lễ hội hoa Ban, lễ hội Hết Chá, Lồng Tồng, Nào Sồng,… gắn liền với nhiều trò chơi dân gian như: Tó má lẹ, cà kheo, ném còn, tu lu, rồng ấp trứng... Các nghề thủ công truyền thống như khăn piêu của dân tộc Thái, vải thổ cẩm, đệm bông gạo, các đồ vật bằng mây tre đan với các hoa văn độc đáo... Và đó còn là nhiều món ăn hấp dẫn (rượu cần, rượu hoẵng, Pa pỉnh tộp (cá nướng), Mọ tu cáy (gà tơ tần), thịt hun khói, cơm lam,... Hiện nhiều làng bản còn lưu giữ được giá trị sinh hoạt, văn hoá truyền thống, là cơ sở để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng như: Bản Nà Bai, bản Phụ Mẫu 1 và Phụ Mẫu 2 (Vân Hồ); bản Hua Tạt (Vân Hồ); Bản Hài, bản Cá và bản Bó (thành phố Sơn La); Bản Ka, bản Đức (Quỳnh Nhai)...

Sơn La hiện có 88 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Văn bia Quế lâm ngự chế - Đền thờ vua Lê Thái Tông (TP.Sơn La); Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào (Yên Châu); Đồn Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu); Kỳ Đài Thuận Châu; Cứ điểm Nà Sản,... Đặc biệt, Di tích cấp quốc gia Nhà tù Sơn La là địa điểm thu hút nhiều du khách, cũng là điểm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tính chất sinh thái, văn hóa với các loại hình du lịch đa dạng. Mùa xuân, cao nguyên náo nức với các Lễ hội hoa xuân, Hết Chá, Cầu mưa, Khinh khí cầu, đón hoa ban nở; Mùa hè, miền đất ngát xanh những đồi chè, sắc đỏ của mùa mận chín, cũng là lúc diễn ra Lễ hội trà cao nguyên và Lễ hội hái quả. Bước sang mùa thu, Mộc Châu nô nức trong Ngày hội văn hóa các dân tộc, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Đặc biệt là cuộc “Thi Hoa hậu bò sữa” duy nhất có ở Mộc Châu… 


Ảnh Đỗ Trường Vinh

Sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã, đang tăng cường đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành các chính sách quản lý, các quy chế, kế hoạch, đề án,.. đồng thời chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và hạ tầng du lịch. Nhiều sản phẩm, loại hình du lịch mới được đưa vào khai thác và có kết quả tích cực; trong đó, chú trọng, ưu tiên những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các yếu tố thân thiện với môi trường, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt ưu tiên phát triển thế mạnh du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch sinh thái...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2021, Sơn La chỉ đón 982 nghìn lượt khách, tạo doanh thu 795 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch đề ra...

Để khai thác tốt tiềm năng đồng thời thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, ngành du lịch đã có những nỗ lực ra sao?

Để giảm thiểu những tác động bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2021, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp, hoạt động phòng, chống, kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, phù hợp từng thời điểm với mục tiêu xây dựng hình ảnh du lịch Sơn La an toàn. 

Cụ thể, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La; đồng thời khi UBND tỉnh cho phép hoạt động trở lại một số loại hình sản xuất, kinh doanh, Sở đã thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra các cơ sở lưu trú, nhà hàng, tiệc cưới về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Sở còn chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, như: Đề án hoàn thiện các tiêu chí Khu du lịch quốc gia Mộc Châu để được công nhận vào năm 2025; Đề án phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tầm nhìn thành khu du lịch quốc gia; Đề án phát triển vùng lòng hồ thủy điện Quỳnh Nhai thành khu du lịch cấp tỉnh; phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Ngoài ra, Sở đã luôn quan tâm đến các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch như: Tiếp tục phát triển chương trình liên kết du lịch có hiệu quả giữa TP.Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; chương trình liên kết với TP.Hà Nội; tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch; xây dựng và duy trì đội văn nghệ dân gian hát dân ca, múa dân gian, biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các huyện: Quỳnh Nhai, Vân Hồ, Bắc Yên, Mộc Châu và thành phố Sơn La; chấm điểm và công bố giải về cuộc thi “Sáng tác biểu tượng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) du lịch tỉnh Sơn La”... và chủ động tổ chức các hoạt động truyền thông và bàn giải pháp khôi phục, kích cầu du lịch Sơn La trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn với dịch Covid -19.

Hy vọng với sự nỗ lực đầu tư các hạng mục mới, chuẩn bị chu đáo cho kịch bản hồi phục sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Sơn La sẽ sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục nghiên cứu đa dạng các sản phẩm du lịch mang đến những trải nghiệm hấp dẫn, chất lượng.

Được biết, ngành du lịch Sơn La đang tham mưu thực hiện Đề án định hướng phát triển vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030... Ông có thể chia sẻ rõ hơn về đề án này?

 Thủy điện Sơn La có diện tích hồ chứa gần 225km2, dung tích 9,26 tỷ m3. Ngoài việc tích nước hồ phục vụ phát điện cho nhà máy, hồ thủy điện Sơn La còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một vùng sinh thái, cảnh quan mới gắn với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà, đồng thời mở ra một tiềm năng mới phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở vùng “biển hồ” Tây Bắc.

Để biến tiềm năng thành hiện thực, trong năm 2021, ngành du lịch Sơn La đã phối hợp với Công ty cổ phần Quỹ đầu tư thế giới về dự án đầu tư phát triển khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La lập dự án gồm toàn bộ mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, rộng 10.520ha và diện tích mặt đất bao quanh lòng hồ, bao gồm cả các đảo, bán đảo nằm trên lòng hồ từ xã Pá Ma Pha Khinh đến xã Mường Chiên. Trong đó, phạm vi đề xuất đầu tư là diện tích mặt nước khoảng 3.000ha và diện tích mặt đất khoảng 500ha.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp xây dựng Đề án phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tầm nhìn thành khu du lịch quốc gia. Hiện đề án trên đang trong giai đoạn hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong năm 2022. Chúng tôi tin tưởng đề án sẽ sớm được phê huyệt, triển khai; từ đó xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng lòng hồ, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội và môi trường khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển toàn diện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum