10:07:54 | 30/11/2021
Sự phục hồi đối với các DN và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái của ngày hôm qua, của thời kỳ trước đại dịch, mà tất cả các DN và nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu.
Chuyển đổi số phải gắn với chiến lược thực, tức là chuyển đổi số phải gắn với tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của DN
Theo ông Vũ Tiến Lộc, với tâm thế thích ứng an toàn, mở cửa để tái khởi động các hoạt động sản xuất-kinh doanh và phục hồi nền kinh tế là lựa chọn không thể nào khác, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) hay các DN Nhật Bản, DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá cao tiến trình phục hồi đang không ngừng được thúc đẩy tại Việt Nam.
Các DN FDI đánh giá cao tiến trình phục hồi đang không ngừng được thúc đẩy ở Việt Nam. Thị trường cũng đã có nhiều tín hiệu khả quan. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại. Đại diện nhiều DN nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư và đang là một sự lựa chọn của họ trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư trong thời gian tới.
Các gói hỗ trợ mới, kích thích nền kinh tế cần được được thúc đẩy để nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các giải pháp xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN cũng cần được triển khai để làm bệ đỡ và tăng nội lực cho DN.
Chủ tịch VIAC cho rằng, sự phục hồi đối với các DN và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái của ngày hôm qua, của thời kỳ trước đại dịch, mà tất cả các DN và nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thời gian sắp tới thì năng lực chống chịu trở thành một trong những năng lực cốt lõi của các DN.
Nhấn mạnh về yêu cầu thích ứng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, các DN Việt Nam cần triển khai một số giải pháp như: Cắt giảm chi phí hoặc chỉ giữ lại những phần quan trọng nhất để hoạt động như nhân sự. Các DN cũng đã tính tới việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức tương tác mới với nhân viên, khách hàng, thị trường.
Ngoài ra, các DN cần nghiên cứu việc chuyển đổi sản phẩm; nhu cầu thị trường gắn với xu thế tiêu dùng và ứng xử linh hoạt thị trường; tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện để khai thác thị trường trong nước nhằm duy trì quan hệ, tìm hiểu đối tác, thị trường mới. Để thích ứng với bối cảnh mới, các DN cũng đã đẩy mạnh liên kết để xây dựng quan hệ cho việc trả chậm; chia sẻ đơn hàng; hàng đổi hàng.... đồng thời, tận dụng các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp cận các gói hỗ trợ và đầu tư phát triển hạ tầng.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, không phải cứ chuyển đổi số là hiệu quả. Số DN thành công khi chuyển đổi số không quá 50%. Do đó, có những bài học về chuyển đổi số mà DN cần ghi nhớ. “Nghĩ lớn nhưng làm cụ thể, DN phải chuyển đổi bắt đầu từ sản phẩm, phải tương tác với khách hàng và thị trường để tạo ra dòng tiền, từ dòng tiền ấy tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số ở những khía cạnh khác nhau”, ông Võ Trí Thành gợi ý.
Ngoài ra, theo ông Võ Trí Thành, đã chuyển đổi số thì phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu DN
"Chuyển đổi số phải gắn với chiến lược thực, tức là chuyển đổi số phải gắn với tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của DN", TS. Võ Trí Thành chia sẻ.
Dưới góc độ vĩ mô, để có thể nhanh chóng phục hồi, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cơ quan điều hành cần có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với thời gian đủ dài từ năm 2022 đến năm 2023, với quy mô đủ lớn và diện đủ rộng cả về kiểm soát dịch và năng lực y tế, hỗ trợ người lao động, DN và phát triển hạ tầng; đồng thời, chú trọng tới một số ngành/lĩnh vực có mức độ thiệt hại lớn, có đóng góp trực tiếp và có sức lan tỏa khi phục hồi. Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, cần tiết kiệm chi thường xuyên và sử dụng một phần nào đó dự trữ ngoại hối để tạo nguồn lực, giúp tăng 1% GDP cho nền kinh tế, tương đương với 3,5 tỷ USD.
TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh, chuyển đổi số là con đường tất yếu để DN phát triển bền vững. Cần có các phương án phục hồi thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đối tác và hệ sinh thái chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa cho rằng, các DN có thể gặp lúng túng trong ma trận ứng dụng từ các lời mời chào, không biết chọn ứng dụng nào cho phù hợp. Điều đáng nói là tuyệt đại đa số DN chưa lập được chiến lược chuyển đổi số.
“Nếu chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam chỉ áp dụng quy trình chuyển đổi số như quốc tế thì sẽ luôn đi sau. Nhưng nếu có chiến lược riêng thì chúng ta sẽ nhanh chóng vượt lên. Các DN cần xác định những khâu nào cần thay đổi. Quan trọng là DN phải tìm được đối tác và giải pháp tin cậy, hiệu quả, kết nối được với mọi hệ thống, có thêm nhiều giá trị gia tăng”, ông Nguyễn Tuấn Hoa góp ý.
Nguồn: baochinhphu.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI