17:34:50 | 11/12/2021
Ngày 10/12/2021, Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) phối hợp với Hiệp hội Dệt May tổ chức Hội thảo “Giải pháp tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp dệt may” chia sẻ tác động của làn sóng Covid thứ tư đến tình hình xuất nhập khẩu của ngành và các giải pháp giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Năm 2021 là một năm đầy khó khăn và thử thách đối với ngành vận chuyển hàng hải, chuỗi cung ứng nói chung, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics nói riêng. Tại Việt Nam, với những quy định mới về phòng chống dịch của chính phủ, thời gian vừa qua các doanh nghiệp đã có thể từng bước khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng kẹt cảng, thiếu container rỗng vẫn đang là vấn đề khó giải toàn cầu, ảnh hưởng dây chuyền giao nhận hàng hóa tại Việt Nam. Bài toán thách thức cho các doanh nghiệp là đảm bảo tiến độ sản xuất các đơn hàng, duy trì lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, giữ vững vị trí quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, là ngành hàng có sản lượng thông qua hệ thống TCSG cao nhất trong 11 tháng 2021, khẳng định sự quan trọng của các doanh nghiệp dệt may trong sự phát triển của hệ thống cảng biển, không chỉ riêng đối với TCSG mà còn với các cảng biển khác của Việt Nam.
Trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, HH Dệt May Việt Nam đã có những hoạt động hết sức kịp thời nhằm kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, nêu lên những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất những biện pháp tháo gỡ, nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất và giữ vững tiến độ các đơn hàng. Tân Cảng Sài Gòn, với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và logistics, đã nỗ lực duy trì sản xuất và tăng công suất để vừa duy trì hoạt động giao thương của Việt Nam và thế giới, vừa đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường. Được sự đồng hành và tin tưởng của các doanh nghiệp dệt may, tại buổi Hội thảo, Tân Cảng Sài Gòn đã có cơ hội chia sẻ 5 nhóm giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may tiết kiệm chi phí, cụ thể như sau:
Giải pháp kết nối ICD Tân Cảng – Long Bình, ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch với cụm cảng Cái Mép: Năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Châu Âu tăng 26% và thị trường Mỹ tăng 14% so với năm 2020 cho thấy sự kết nối hàng hóa trực tiếp về các Cảng khu vực Cái Mép tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Với mô hình phát triển dịch vụ về gần nhà máy của doanh nghiệp, Cảng TCSG thúc đẩy giải pháp kết nối hàng hóa, giao nhận trực tiếp tại ICD Tân Cảng-Long Bình, ICD Tân Cảng-Nhơn Trạch đối với những tàu ghé các cảng TCIT, TCTT tại Cái Mép, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp gần với các ICD này. Ngoài ba hãng tàu đã mở code và có lượng rỗng tại ICD Tân Cảng-Long Bình là COSCO, Yang Ming, Hapage Lloy thì TCSG tiếp tục phát triển nhóm 15 hãng tàu lớn đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp dệt may tại Đồng Nai để tạo “chợ” Rỗng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Giải pháp khai thác và quản lý kho hàng theo chuỗi cung ứng: Hệ thống kho hiện đại đáp ứng được các tiêu chuẩn cho mặt hàng dệt may, phần mềm quản lý WMS chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, hệ thống Sprinkler, camera an ninh,…. ICD Tân Cảng-Long Bình có thể triển khai quản lý đơn hàng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp dệt may, hạn chế nguy cơ đứt gày chuỗi cung ứng khi Trung Quốc hiện nay vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid. Đồng thời, mô hình kho phân phối thành phẩm cho các nhãn hàng như H&M, Uniqglo tại ICD Tân Cảng-Long Bình cũng sẽ thuận lợi để phục vụ các nhãn hàng khác vào thị trường Việt Nam với các dịch vụ cung cấp từ vận chuyển, thủ tục hải quan, chứng từ đến xuất/ nhập, packing và phân phối…
Giải pháp về thủ tục: “Hải quan một cửa” tạo điều thuận lợi cho khách hàng hoàn thành nhanh chóng về thủ tục hải quan và giao nhận hàng tại cảng bố trí khu thủ tục riêng, quy trình giao nhận riêng. Hệ thống E-port của TCSG giúp cho việc thực hiện thủ tục giao nhận hàng hoá trực tuyến, hạn chế tối đa việc giao dịch trực tiếp tại cảng, tiết kiệm thời gian và nhân lực cho khách hàng.
Các chính sách của TCSG: Tiếp tục duy trì chính sách Khách hàng thân thiết của TCT TCSG, áp dụng quy tắc tích điểm để thanh toán phí dịch vụ cho các khách hàng sử dụng dịch vụ cảng và logistics tại cảng Tân Cảng - Cát Lái và Tân Cảng – Hiệp Phước. Ngoài ra, chính hỗ trợ lưu bãi và các chi phí phát sinh của doanh nghiệp.
Các giải pháp dịch vụ: Với lợi thế hệ thống các cơ sở Cảng, ICD,…trải dài các khu vực phía Nam, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ cao trong vận hành, cùng hợp tác chiến lược với các Hãng tàu, TCT TCSG cung cấp dịch vụ và giải pháp logistics trọn gói, giúp khách tiết kiệm được chi phí cho khách hàng. Tùy từng điều kiện của nhóm các doanh nghiệp dệt may, TCSG sẽ xây dựng giải pháp logistics phù hợp.
Các giải pháp nêu trên thể hiện nỗ lực rất lớn của các các cơ sở miền Nam thuộc hệ thống TCSG trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp dệt may. Tân Cảng Sài Gòn cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công cuộc khôi phục và phát triển sản xuất, nâng tầm giá trị, tiếp tục trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài và là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu./
Văn Lượng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.