Tìm giải pháp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

09:33:32 | 16/12/2021

Chính sách thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, bao bì trong sản xuất thuốc (ví dụ amoxicillin, ampixicillin,…) còn một số điểm chưa hợp lý khi mức thuế áp cho nhập khẩu các nguyên liệu này cao hơn mức thuế nhập khẩu thành phẩm, trong khi doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu do trong nước hiện không có đơn vị cung cấp nguyên liệu này.

Đây là thông tin mà Đại diện Công ty CP Dược phẩm Imexpharm đã chia sẻ tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan 2021 do VCCI phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính tổ chức vừa qua.

Đại diện Imexpharm kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý tài chính, thuế, hải quan rà soát để điều chỉnh chính sách thuế cho các nguyên liệu trong nước chưa thể sản xuất được (nguyên liệu mà doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu để sản xuất), nhằm hỗ trợ thành phẩm sản xuất trong nước có thể cạnh tranh tốt hơn với thành phẩm nhập khẩu.

Các ý kiến, kiến nghị đều được xem xét giải quyết

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, do tình hình dịch bệnh, Hội nghị đối thoại năm 2021 về chính sách và thủ tục hành chính thuế được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 8 điểm cầu khác tại các địa phương nơi có Chi nhánh, Văn phòng đại diện của VCCI trên toàn quốc. Đây cũng là năm thứ 16 liên tiếp hội nghị được Bộ Tài chính và VCCI phối hợp tổ chức, tiếp tục thể hiện sự quan tâm, quyết tâm cải cách, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp của Bộ Tài chính trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế và hải quan. Hội nghị này là dịp để Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng trực tiếp tiếp nhận, trao đổi, thảo luận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, qua đó tiếp tục điều chỉnh các chính sách, thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp bên cạnh các giải pháp kịp thời nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo ông Công, những năm qua, ngành thuế, hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tự động hóa một số quy trình thủ tục, đổi mới tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan.

Ông Công cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị này và qua theo dõi thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, VCCI đã tiến hành thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau. Điểm nổi bật nhất trong các kiến nghị bên cạnh một số trường hợp cụ thể của doanh nghiệp có nội dung bắt nguồn từ một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn, việc áp mã HS, mã số mã vạch, hàng quá cảnh, các mức thuế, phí, qui trình hoàn thuế phí … cũng được các doanh nghiệp kiến nghị hướng sửa đổi cụ thể. Tất cả các ý kiến của DN đã được chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính trước hội nghị để xem xét, giải quyết. Toàn bộ các ý kiến, kiến nghị cũng được tập hợp và trả lời bằng văn bản sau khi kết thúc hội nghị, đăng tải trên website của ngành và VCCI.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, ngay từ đầu năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế (gồm thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế (gồm thuế BVMT, thuế nhập khẩu), phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Vừa qua, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách nhằm giảm tiền thuê đất, giảm mức thuế GTGT, miễn thuế phải nộp phát sinh, miễn tiền chậm nộp phát sinh, giảm thuế TNDN…

“Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, ngành thuế cũng tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử với hơn 99,6% tổng số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; 98,9% nộp thuế điện tử; 97,6% hoàn thuế điện tử. Đặc biệt với việc chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 địa phương (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ) và sẽ thực hiện tại 57 địa phương còn lại trong năm 2022 .

Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, thuận lợi, tiết kiệm chi phí...

“Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo cơ sở để triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiếp theo”, bà Mai khẳng định.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)