Thị trường chứng khoán: Dấu ấn một năm thăng hoa ấn tượng

09:45:05 | 7/1/2022

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế - xã hội do tác động của dịch Covid-19, lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng âm 6,7% trong quý 3. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán lại ghi dấu một năm “thăng hoa” trên chặng đường phát triển 21 năm với các mốc kỷ lục mới được xác lập.

Sự tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2021 của thị trường chứng khoán thể hiện ở mức vốn hóa thị trường đã đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020 và xấp xỉ bằng 100% GDP. VN-Index đã phá vỡ nhiều kỷ lục, chính thức cán mốc 1.500 điểm vào phiên 25/11/2021 cùng với sự xuất hiện liên tục nhiều phiên giao dịch 2 tỷ USD. Thanh khoản bùng nổ vào những tháng cuối năm, với mức cao nhất đạt gần 2,5 tỷ USD/phiên giao dịch.

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi duy trì thấp, chứng khoán ngày càng trở thành kênh hút dòng tiền mạnh mẽ từ người dân. Làn sóng nhà đầu tư mới (thường gọi là các F0) là một trong những “cú hích” cho thị trường. Riêng trong tháng 11/2021, nhà đầu tư mở mới trên 221.000 tài khoản giao dịch, con số này nhiều hơn tổng số tài khoản mở mới năm 2019 (192.000 tài khoản).

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã có trên 4,08 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020. Như vậy, ước tính số lượng người dân tham gia đầu tư chứng khoán đã xấp xỉ mức 4% toàn dân số - một tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường cũng như mục tiêu phổ cập đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Hạ tầng được cải thiện

Trong bối cảnh thanh khoản liên tục được đẩy lên cao, câu chuyện quá tải, chậm xử lý lệnh giao dịch trên sàn HOSE đã diễn ra từ cuối năm 2020 kéo dài sang đầu năm 2021. Điều này sẽ gây bất tiện và thiệt hại cho không ít nhà đầu tư, thậm chí một số mã trên sàn HOSE đã phải sang giao dịch “tạm” trên HNX.

Ngay khi xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HOSE khẩn trương khắc phục sự cố nghẽn lệnh. Trên cơ sở phối hợp và làm việc tích cực giữa HOSE và công ty FPT, giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh đã chính thức được đi vào vận hành từ ngày 05/07/2021, hệ thống đã vận hành thông suốt, ổn định và đáp ứng hiệu quả sự gia tăng thanh khoản của thị trường trong thời gian qua. Qua sự cố nghẽn lệnh, UBCKNN thấy rằng vấn đề công nghệ thông tin để vận hành, quản lý, giám sát hoạt động thị trường là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tập trung vào việc nâng cấp hệ thống để đảm bảo thị trường hoạt động được ổn định, thông suốt.

Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) ra đời

Ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN - VNX) theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cơ cấu tổ chức quản lý của VNX bao gồm: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên. VNX có 02 công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ là HNX và HOSE. Cơ cấu tổ chức quản lý của HNX và HOSE bao gồm: Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn.

Ngày 01/4/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 757/QĐ-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNX với mục tiêu đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán tại các SGDCK được vận hành công khai, công bằng, trật tự, an toàn và hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán. Ngày 6/8/2021, VNX đã chính thức hoạt động, đồng thời HNX và HOSE đã hoạt động với tư cách là công ty con của VNX.

Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, VNX đã triển khai các hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động khác theo Quyết định 37 như xây dựng và ban hành các quy chế nghiệp vụ; xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển; quản lý, giám sát HNX và HOSE. UBCKNN đã xem xét, chấp thuận các quy trình, quy chế của VNX theo thẩm quyền. Ngày 11/12, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Việt Nam.

Kỳ vọng nâng hạng thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực, tích cực trao đổi thông tin với các tổ chức xếp hạng thị trường, các nhà đầu tư và các thành viên thị trường nhằm tăng cường hiểu biết về các tiêu chí xếp hạng thị trường và các chính sách, hoạt động mới trên thị trường chứng khoán và từ đó có thể tháo gỡ những thắc mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động nghiệp vụ và đầu tư của các thành viên thị trường và nhà đầu tư.

Theo xếp loại gần đây nhất của hai tổ chức MSCI và FTSE Russell vào năm 2021, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tiềm năng nâng hạng từ thị trường Cận biên lên thị trường Mới nổi. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, cả hai tổ chức này đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian vừa qua trong việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường.

Các hoạt động triển khai bao gồm: Cập nhật định kỳ các chính sách và nỗ lực mới của cơ quan quản lý trên thị trường; triển khai các chương trình làm việc với các thành viên thị trường về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030; thực hiện các giải pháp mới về thanh toán, bù trừ chứng khoán, xây dựng hệ thống CCP; xây dựng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR ... Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan để giải quyết các vướng mắc chính trong việc nâng hạng.

Thu hút thêm dòng vốn ngoại

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã có rất nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp để nhằm thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là các nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài có uy tín với tính ổn định và mục tiêu đầu tư dài hạn, bền vững thông qua các quỹ đầu tư. Riêng trong giai đoạn 2020-2021, UBCKNN đã cấp chứng nhận đăng ký hoạt động thêm cho 06 quỹ ETF nội và đã thu hút được khoảng hơn 20.000 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mua chứng chỉ quỹ ETF nội, góp phần tạo ra dòng vốn ổn định cho thị trường chứng khoán. Có thể nói, đây là những kết quả rất tích cực đối với không chỉ hoạt động quản lý quỹ nói riêng mà đối với cả thị trường chứng khoán nói chung.

Trên cơ sở đó, trong năm 2022 sắp tới, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, phương án đã đề ra để thu hút dòng vốn nước ngoài từ các quỹ đầu tư có hiệu quả. Theo đó, UBCKNN thúc đẩy phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư có chất lượng theo thông lệ để nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn tại Việt Nam, điển hình là mô hình các quỹ ETF, quỹ mở. Đồng thời, nghiên phát triển quỹ đầu tư chứng khoán xanh để huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế xanh và bền vững, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt thông qua các quỹ đầu tư, UBCKNN tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, đẩy nhanh hoạt động hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán để tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng nhà đầu tư.

Mặt khác, UBCKNN sẽ thực hiện các giải pháp và tăng cường trao đổi, thiết lập quan hệ thường xuyên với các tổ chức có liên quan nhằm sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

UBCKNN cũng tiếp tục yêu cầu công ty quản lý quỹ thực hiện quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, nâng cao nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào chất lượng hoạt động ủy thác.

Để củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, UBCKNN tăng cường công tác giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tăng cường kỷ luật kỷ cương của thị trường.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)