Phát triển bền vững trong bối cảnh mới

10:48:24 | 27/1/2022

Tại Việt Nam, “phát triển bền vững” là từ khóa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn, là “thẻ thông hành xanh” trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này. Hương Ly thực hiện.

Ông có nhận định như thế nào về việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian qua?

Định hướng phát triển bền vững đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh việc huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nền tảng là “bệ đỡ” cho phát triển bền vững, cụ thể như Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược Phát triển Bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Hành động Quốc gia Thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững và 115 Mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

Mới đây nhất, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Đây là minh chứng rõ nét nhất về việc Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh.

Vừa qua, UNDP đã đánh giá Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Báo cáo Quốc gia năm 2020 về SDGs cho thấy, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng trong giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 49/166 nước về chỉ số SDGs, tăng 5 bậc so với bảng xếp hạng năm 2019. Theo dự báo, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng sẽ đạt được 5 trong số 17 mục tiêu SDGs, bao gồm: Mục tiêu 1 về xóa nghèo, Mục tiêu 2 về xóa đói, Mục tiêu 4 về chất lượng giáo dục, Mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu, và Mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu.

Đặc biệt, sự chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp về phát triển theo định hướng bền vững cũng đã có nhiều thay đổi. Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ kinh doanh vì lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm. Kết quả công bố danh sách Doanh nghiệp Phát triển  Bền vững tại Việt Nam lần thứ 6 năm 2021 do VBCSD/VCCI phối hợp thực hiện cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đạt danh hiệu top 10 phát triển bền vững lần lượt là 55% và 45%. Trong top 100 thì tỷ lệ này lần lượt là 63% và 27%.

Xin ông cho biết một số yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới?

Trên thực tế, việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức. Nguồn lực tài chính để thực hiện các SDGs ở Việt Nam chủ yếu vẫn là nguồn lực công, trong khi việc huy động nguồn lực tư nhân, các nguồn lực trong xã hội lại hạn chế.

Bên cạnh đó, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện 5 SDGs về xóa đói, xóa nghèo, giáo dục, bảo vệ khí hậu và quan hệ đối tác toàn cầu, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt được 12 mục tiêu còn lại, đặc biệt là mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển…

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Từ định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, dựa trên thực tiễn phát triển tại Việt Nam cũng như yêu cầu thay đổi để linh hoạt ứng phó với khủng hoảng, theo tôi trong thời gian tới phát triển bền vững cần phải dựa trên các mục tiêu chính: Tăng cường chuyển đổi số và áp dụng công nghệ kỹ thuật mới; Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo; Quản trị doanh nghiệp bền vững… Đây cũng chính là những nội dung quan trọng trong các chương trình hành động mà VCCI và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã và đang theo đuổi, thực thi và lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.

Xin ông cho biết một số định hướng để doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững một cách hiệu quả trong thời gian tới?

Nhiều doanh nghiệp bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề quản trị bền vững, chuẩn bị các phương án đối phó với rủi ro. Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, từ đó phục hồi và phát triển bền vững hơn. Đến khi dịch được khống chế, kinh tế phục hồi, trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã tạo dựng từ nguồn nhân lực và niềm tin của người lao động với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nền tảng vững vàng để sớm khôi phục và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Bên cạnh đó, phát triển bền vững sẽ là “thẻ thông hành xanh” để các doanh nghiệp phát triển và hội nhập. Nguyên nhân là do xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân khi xã hội đang hướng tới những sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ, an toàn. Đơn cử, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã quyết định từ năm 2023 sẽ đánh thuế Carbon qua biên giới với tất cả những sản phẩm hữu hình và vô hình kể cả các loại phần mềm. Vì thế nếu các doanh nghiệp không thay đổi mô hình hoạt động, không hướng tới quy trình sản xuất sạch hơn, an toàn hơn thì chắc chắn khả năng cạnh tranh sẽ bị giảm xuống và khó nắm bắt cơ hội phát triển trong tương lai.

Để nắm bắt cơ hội chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kĩ lưỡng 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, lựa chọn những mục tiêu phù hợp để lồng ghép vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp và áp dụng Bộ chỉ số CSI để có thể quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Hiện tại, Bộ chỉ số CSI 2021 đã được phân cấp để phù hợp với nhiều doanh nghiệp có quy mô khác nhau. Một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh và truyền tải đi thông điệp phát triển bền vững không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa”, không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà rất thiết thực và có thể hữu hình hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật. Phát triển bền vững hoàn toàn có thể được thực hiện ở tất cả các cấp độ doanh nghiệp

Hiện nay, VBCSD/VCCI đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn  Lao động Việt Nam và một số hội viên VBCSD tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ Chỉ số đánh giá khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Nếu đánh giá mỗi doanh nghiệp là một “tế bào” của nền kinh tế Việt Nam, việc thúc đẩy tạo lập các khu công nghiệp bền vững sẽ tạo tiền đề cho những tập hợp tế bào khỏe mạnh, hình thành những cơ quan chức năng bền vững cho một cơ thể kinh tế Việt Nam phát triển hùng cường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum