Việt Nam nhận được đánh giá tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh

09:19:51 | 18/2/2022

Theo kết quả khảo sát của các tổ chức quốc và ý kiến nhận định của các chuyên gia, Việt Nam được nhận được các đánh giá tích cực về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Một số tổ chức nước ngoài như EuroCham, KCCI, Jetro… đánh giá cao quyết định của Chính phủ Việt Nam về chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, từng bước mở cửa kinh tế. Nhiều dự đoán lạc quan cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi hình chữ V vào năm 2022.

Trong báo cáo mới nhất của hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam được tiếp thêm động lực trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tăng trở lại và hoạt động xuất khẩu duy trì đà mạnh mẽ.và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023.

Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit đưa ra nhận định, ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sản lượng và số đơn đặt hàng tăng mạnh, số lượng việc làm cũng tăng trong tháng thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tháng 1/2022 đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước đó, cho thấy sự cải thiện về điều kiện kinh doanh mạnh nhất kể từ năm 2018.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam. Trên kết quả khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Việt Nam đạt điểm cao nhất sau đợt dịch bùng phát đại dịch Covid-19 thứ tư, với tâm lý tích cực đạt 61 điểm, tăng 42 điểm kể từ quý 3/202. Mặc dù chỉ số này vẫn thấp hơn so với mức cao đỉnh điểm ghi nhận trước đại dịch, nhưng vẫn phản ánh rõ ràng rằng niềm tin đang phục hồi trên thị trường. Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy 43% số doanh nghiệp châu Âu cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro Hà Nội) cho biết, theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có dự định mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới tại Việt Nam là 55,3%, đứng đầu khu vực ASEAN.

Trưởng đại diện Tổ chức thương mại Nhật Bản nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN về khả năng thị trường, tiềm năng phát triển, tình hình chính trị, xã hội ổn định, chất lượng nhân viên cao. 67% số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hoá sang Nhật Bản. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do là 60% và tăng dần quan từng năm, ông Takeo Nakajima cho biết.

Ông Takeo Nakajima cho rằng, so với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ "thu nhỏ" hoạt động sản xuất tại Việt Nam là thấp, chỉ sau Pakistan, điều đó cũng cho thấy Việt Nam vẫn chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, một trong những lý do khiến doanh nghiệp Nhật Bản quyết định sẽ mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm: Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng vào tăng doanh thu tại thị trường sở tại; tiềm năng và tăng trưởng cao; tăng doanh thu do mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Yun Ok Hyon - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI) cho biết, dự kiến làn sóng các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng nếu tình hình dịch bệnh không còn nghiêm trọng. “Các nhà đầu tư Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là điểm đến để mở rộng sản xuất và kinh doanh. Hợp tác thương mại hai bên chắc chắn sẽ có sự bứt phá hơn nữa bởi nỗ lực tạo thuận lợi thương mại của hai bên”, ông Yun Ok Hyon nhấn mạnh.

Mặc dù có những lợi thế nhất định, kết quả khảo sát nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam cũng cho thấy các daonh nghiệp này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do giá nhân công tăng nhanh thời gian gần đây. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đặc biệt lo ngại tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng lao động để ổn định sản xuất có thể xảy đến khi lao động về quê do dịch Covid-19. Ngoài những yếu tố trên, thì chính sách thuế, thủ tục hành chính thiếu minh bạch, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao… cũng là những vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, mong muốn được Chính phủ và các bộ, ngành chức năng của tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Hương Giang (Vietnam Business Forum)