Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông trở thành động lực cho phát triển

11:01:38 | 7/3/2022

Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là một trong 6 nội dung của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII. Trong đó, mục tiêu cao nhất của chương trình là nâng tầm văn hóa, con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hải Dương luôn có vị trí địa chính trị, quân sự trọng yếu, là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn phên dậu của kinh thành Thăng Long xưa với tên gọi xứ Đông. Truyền thống văn hiến từ ngàn xưa là niềm tự hào và là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của Hải Dương trong phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Văn hóa xứ Đông vừa mang đặc trưng của văn hóa Việt Nam vừa có những nét đặc trưng riêng có của con người Hải Dương - vùng đất được mệnh danh là “địa linh, nhân kiệt”.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương chia sẻ: Văn hóa xứ Đông có bề dày lịch sử thể hiện qua những di tích lịch sử văn hóa. Hải Dương hiện đang lưu giữ khối lượng lớn văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo với 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Trong đó có 04 di tích, quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích được xếp hạng quốc gia, 255 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 08 bảo vật quốc gia, 09 di sản văn hoá  phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu là khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Phượng Hoàng (Chí Linh); quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn); cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia, Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) … Hải Dương là nơi lưu giữ những di sản vật thể và phi vật thể đậm nét về các danh nhân lớn của dân tộc tiêu biểu như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An… 

Văn hóa xứ Đông còn là truyền thống của những phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của cộng đồng dân cư Hải Dương xưa và nay, được lưu truyền qua các lễ hội truyền thống, với 826 lễ hội truyền thống hiện đang được cộng đồng tại các địa phương bảo lưu và thực hành, tiêu biểu là lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc, đền Cao (Chí Linh); chùa Hào Xá, chùa Minh Khánh (Thanh Hà); đình Trịnh Xuyên, chùa Trông (Ninh Giang), đền, đình Sượt (TPHD), đền Quát, đền Đươi (Gia Lộc) và nhiều lễ hội truyền thống khác… lễ hội xứ Đông mang đậm yếu tố lịch sử, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, khát vọng cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, ngợi ca những bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc có công với nước, với dân…

Xứ Đông nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo của vùng đồng bằng Bắc Bộ và nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian khác như: ca trù, trống quân, tuồng, rối nước…Trong đó nghệ thuật Hát ca trù Hải Dương cùng với 15 tỉnh, thành có không gian Hát ca trù đã được UNESCO đưa vào Danh mục DSVH PVT cần được bảo vệ khẩn cấp; nghệ thuật Hát ca trù, Múa rối nước và Hát trống quân đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVH PVT quốc gia. Văn hóa xứ Đông còn mang đặc trưng của sự cần cù lao động, truyền thống hiếu học. Thời kỳ phong kiến, Hải Dương là một trong những địa phương đứng đầu về số lượng tiến sĩ nho học của cả nước với 637 tiến sĩ, còn theo địa giới hành chính hiện tại là 486 tiến sĩ. Những năm gần đây, Hải Dương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về chất lượng giáo dục phổ thông, có nhiều học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đạt nhiều giải cao.

Xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII xác định, để phát triển nhanh và bền vững, cần khai thác và phát huy tối đa di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông. Hải Dương đã và đang triển khai những chương trình, đề án cụ thể, trong đó Tỉnh uỷ Hải Dương đã ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Xây dựng đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; chăm lo xây dựng con người Hải Dương có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống xứ Đông với các giá trị hiện đại, sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Cùng với đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; khai thác có hiệu quả hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, khu, điểm du lịch trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ có tính đột phá về phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về tri thức, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc… từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và mục tiêu phát triển của tỉnh với tinh thần: “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”.

Để đạt được mục tiêu, theo ông Nguyễn Thành Trung, để đạt được mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm là: phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, bao gồm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa; tập trung nguồn lực phát triển du lịch; duy trì và phát triển các phong trào thể dục, thể thao; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông; tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Đồng thời, xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học cùng ý chí và khát vọng vươn lên. Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; phát huy hiệu quả quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện các bộ quy tắc ứng xử; tổ chức một số sự kiện quy mô lớn mang đậm dấu ấn Hải Dương,… Đăng cai tổ chức một số giải (môn) thể thao quốc gia, quốc tế, khu vực mà Hải Dương có tiềm năng, thế mạnh; tổ chức một số sự kiện, hội thi tài năng, học sinh giỏi nhằm kích thích, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Với tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường hơn nữa các giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

Lê Hoài Nam - Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)