09:34:58 | 23/3/2022
Ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Việc ứng dụng giao diện lập trình (API) - công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Ngân hàng mở giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng.
Điển hình, các ngân hàng thương mại hiện đại hóa công nghệ đa tiện ích như mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code… Nền tảng Open banking còn góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến …
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác. Ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân (PFM) tốt hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính.
Ngân hàng mở là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình chuyển đổi công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh, cởi mở, đưa ra những cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng. Kết quả đạt được là rất tích cực, tuy nhiên cũng còn có những rủi ro có thể xảy ra vì sự cởi mở của mô hình này. Vì vậy, ông Hùng cho rằng, các ngân hàng cần xem xét, chuẩn bị tốt để có thể ứng phó với các rủi ro đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề khó đoán định; đặt ra sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế phát hành và cách ly đảm bảo tính bền vững của API.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, có rất nhiều dịch vụ tài chính mới nổi đã và đang phát triển, trong đó có ngân hàng mở trên nền tảng giao diện lập trình ứng dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending), huy động vốn cộng đồng (crowd funding). Đối với ngân hàng mở, có 3 mô hình phố biến là thực cộng (tức là ngân hàng ngoài dịch vụ cốt lõi còn tích hợp thêm các dịch vụ của đối tác thứ ba trong hệ sinh thái và bán hàng cho khách hàng). Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu đang đi theo mô hình này. Thứ hai là mô hình bị động. Với mô hình này, ngân hàng sẽ là đại lý, kênh phân phối cho bên thứ ba quy mô lớn nào đó, ví dụ như bigtech. Thứ ba là mô hình tích hợp tương đối tối ưu, phù hợp với xu hướng và xu thế. Với mô hình này, ngân hàng sẽ ở thế chủ động, làm chủ nền tảng và có quyền cho phép bên thứ ba kết nối đóng hoặc mở, tuỳ theo cách thức tiếp cận rủi ro của mỗi ngân hàng. Như vậy, ngân hàng có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau, cả ngân hàng và dịch vụ phi ngân hàng cùng lúc.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, nhưng những rủi ro, thách thức là điều khó tránh khỏi. Ngân hàng mở là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động tích cực trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngân hàng mở là nội dung mới, cần tiếp tục nghiên cứu bởi những nội dung mới cần được hiểu rõ đúng đủ bản chất sự việc thì mới ban hành chính sách được.
Theo Phó Thống đốc, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành Thông tư về Open API trong lĩnh vực thanh toán. Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, liên quan trực tiếp hoạt động của các ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng và đơn vị của Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp triển khai hiệu quả.
Phó Thống đốc cũng lưu ý Ủy ban chính sách và Hiệp hội Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu chủ đề này, cố gắng chỉ rõ, đề xuất rõ các dịch vụ triển khai trên Open API, từ đó có cơ sở tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành và Chính phủ ban hành các văn bản, chính sách phù hợp để phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam.
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI