Việt Nam xuất siêu 93 triệu USD trong nửa đầu tháng 3

08:53:04 | 28/3/2022

Nửa đầu tháng 3/2022 (từ 1/3 đến 15/3), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt hơn 30 tỷ USD, theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố.

 

Số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2022 đạt 30,55 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 3,44 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2022. 

Kết quả đạt được trong 15 ngày đầu tháng 3/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2022 đạt 140,05 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 17,48 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 97,45 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng tới 10,31 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 3/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 93 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 492 triệu USD.

Về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 3/2022 đạt 15,32 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 808 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 02/2022. 

Tính đến hết 15/3/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,78 tỷ USD, tăng 12,2% tương ứng tăng 7,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: hàng dệt may tăng 1,26 tỷ USD, tương ứng tăng 21,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 776 triệu USD, tương ứng tăng 8,2%; máy móc thiết bị dung cụ & phụ tùng tăng 724 triệu USD, tương ứng tăng 10%... so với cùng kỳ năm 2021.

Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2022 đạt 15,23 tỷ USD, tăng 20,9% (tương ứng tăng 2,64 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2022 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2022 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 568 triệu USD, tương ứng tăng 17,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 282 triệu USD, tương ứng tăng 19,8%; vải các lọai tăng 228 triệu USD, tương ứng tăng 65%...

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/3/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 70,3 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 9,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 4,05 tỷ USD, tăng 30,1%; xăng dầu các loại tăng 850 triệu USD, tương ứng tăng 104,3%; vải các loại tăng 586 triệu USD, tương ứng tăng 25,1%; sắt thép các loại tăng 487 triệu USD, tương ứng tăng 23,9%... so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù, xuất khẩu đã có được đà tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch bệnh, lạm phát và đặc biệt là tình hình xung đột giữa Nga – Ukraina.


Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông, thủy sản của Việt Nam vào các thị trường.

Cho dù kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraina không lớn, song tại cuộc họp bàn các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/3/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Nga và Ukraina không phải là thị trường lớn nhưng vẫn quan hệ giao thương với Việt Nam ở những mặt hàng nông nghiệp như phân bón, nguyên liệu chăn nuôi…

“Chúng ta xuất khẩu sang các thị trường này một lượng hàng hóa không lớn nhưng cũng có sự lan tỏa ra khu vực thị trường liên minh Á - Âu là khu vực Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Do đó, sự đứt gãy này sẽ tác động đến cả những thị trường liên đới khác, liên quan đến các giao dịch thanh toán với các doanh nghiệp. Chưa kể, chúng ta phải lường trước được những tác động đến vấn đề tỷ giá, ngoại tệ, phương thức thanh toán… do xung đột này gây ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, vì vậy sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động của thị trường quốc tế và ảnh hưởng ban đầu đó là về thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển, lưu thông hàng hóa…

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông, thủy sản của Việt Nam vào các thị trường; tiếp tục khai thác tốt thị trường truyền thống; tiếp cận các thị trường mới; kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến các thị trường.

Nguồn: DDDN