Doanh nghiệp FDI vẫn giữ niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam

06:03:22 | 28/4/2022

Trong số 22 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp FDI tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, ba tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cao nhất là Hà Nam (65,4%), Quảng Ninh (65%) và Hải Phòng (60%).

Đây là thông tin vừa được công bố trong báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam- PCI 2021 do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện.


Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Nhiều DN dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh

Điều tra PCI – FDI 2021 được thực hiện tại 22 tỉnh, thành phố có mật độ tập trung doanh nghiệp FDI cao nhất của Việt Nam. Quy mô mẫu được xác định đảm bảo tính đại diện của các nhóm doanh nghiệp FDI tại từng tỉnh, thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp trong mẫu được lựa chọn ngẫu nhiên, phân tầng tại từng địa phương theo số năm thành lập, loại hình và ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Đã có 1.185 doanh nghiệp FDI tới từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, với tỷ lệ phản hồi đạt 28,2%. Trong cả giai đoạn 2010-2021, đã có 18.172 doanh nghiệp FDI trả lời điều tra PCI-FDI. Điều tra PCI-FDI đến nay tiếp tục là một trong những điều tra doanh nghiệp FDI thường niên có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất tại Việt Nam.

Kết quả điều tra cho thấy, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm 2021 có sự suy giảm so với năm trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi năm 2021 là 38,72%, thấp nhất trong 10 năm qua. 47,9% doanh nghiệp báo lỗ, nhích nhẹ từ con số 47,1% của năm 2020, là mức cao nhất kể từ năm 2012. Chỉ 7,8% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư trong năm 2021, là năm thứ hai liên tiếp dừng ở mức độ tăng 1 con số. Dù vậy, vẫn có 50,6% doanh nghiệp tăng quy mô lao động trong năm 2021. Những con số này phần nào cho thấy dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam.

Sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, điều tra PCI- FDI 2021 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%. Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa.

Trong số 22 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp FDI tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, ba tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cao nhất là Hà Nam (65,4%), Quảng Ninh (65%) và Hải Phòng (60%). Vùng miền núi phía Bắc có hai đại diện trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự định mở rộng quy mô cao nhất, bao gồm Thái Nguyên (59,3%) và Bắc Giang (58,1%). Đáng lưu ý, một số địa phương tập trung số lượng lớn doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh thấp hơn mức trung bình cả nước, như Hà Nội (46,1%), Bình Dương (45,9%), Tp. Hồ Chí Minh (44,6%) và Bắc Ninh (44,1%). Một số địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức chung cả nước bao gồm Bình Phước (21,4%) và Đà Nẵng (34,4%).

Cần tiếp tục cải thiện chất lượng lao động

Đánh giá của doanh nghiệp FDI về chất lượng lao động địa phương là một chỉ báo quan trọng để chính quyền các tỉnh, thành phố lưu ý trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Theo điều tra PCI-FDI, năm 2021, nhìn chung chất lượng lao động được các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá là tương đối đáp ứng nhu cầu. Trong đó, đánh giá về chất lượng lao động tại tỉnh, thành phố nơi hoạt động cho thấy chỉ 15% doanh nghiệp cho biết lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn và 43% cho biết lao động địa phương đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. 37% cho biết chất lượng lao động ở mức Tạm được và khoảng 5% đánh giá phần lớn hoặc hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI tỏ ra khá lạc quan về tình hình cải thiện chất lượng lao động trong tương lai.

Cũng phải nói rằng, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng lao động tại địa phương có sự cải thiện đều đặn trong những năm gần đây, cả về chất lượng giáo dục phổ thông và chất lượng dạy nghề. Cụ thể, trên thang điểm 6 (1. Rất kém đến 6. Rất tốt), các doanh nghiệp FDI đánhgiá chất lượng giáo dục phổ thông đạt mức 4.5 điểm vào năm 2021, trong khi năm 2017 là 3,9 điểm. Xu hướng cải thiện tương tự còn có thể quan sát được ở đánh giá của các doanh nghiệp FDI về chất lượng giáo dục dạy nghề, với 4,4 điểm vào năm 2021 so với mức 3,8 điểm của năm 2017.

 Mặc dù đại dịch đã gây gián đoạn nhiều hoạt động, các doanh nghiệp FDI vẫn có những đánh giá tích cực về chất lượng đào tạo nghề và giáo dục phổ thông với lao động của họ. Một khía cạnh khác của phát triển nguồn nhân lực là mức độ dễ dàng tuyển dụng lao động có kỹ năng để đáp ứng kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng của doanh nghiệp. Hai nhóm lao động mà các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%) và kế toán (42%). Tiếp đến là nhóm cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ dễ dàng thấp nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%), phản ánh xu hướng khó khăn chung trên toàn cầu.

Tuy nhiên, xét theo chuỗi thời gian, các doanh nghiệp FDI năm 2021 dường như gặp khó khăn hơn trong tuyển dụng lao động so với các năm trước đó. Điều này thấy rõ đối với việc tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật và kế toán trong năm 2021. Việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát trong năm 2021 có dễ dàng hơn năm 2020, song vẫn tương đương của các năm 2017-2019. Trong khi đó, với nhóm nhân sự cấp cao là Giám đốc điều hành, mức độ khó khăn trong tuyển dụng của năm 2021 có nhích nhẹ so với năm 2020, có thể là do nhu cầu tuyển dụng nhân sự điều hành có năng lực tăng cao trong bối cảnh môi trường kinh doanh xuất hiện nhiều thách thức.

Chi phí đào tạo lao động trung bình chiếm 5,69% tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong Điều tra PCI-FDI 2021. Con số này có cao hơn so với mức của năm 2020. Tuy nhiên, khoảng tin cậy 95% của chi phí đào tạo lao động năm 2021 so với các năm trước lại có sự chồng lấn, cho thấy đây không phải là mức thay đổi đáng kể về mặt thống kê. Do đó, có thể thấy chi phí đào tạo lao động trung bình của doanh nghiệp FDI trong thập niên vừa qua không có quá nhiều biến động.

Sự ổn định của lực lượng lao động là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp FDI có thể vận hành hiệu quả. Điều tra PCI-FDI 2021 cho thấy có 60% lao động mà doanh nghiệp đã đào tạo ở lại làm việc cho doanh nghiệp trên 1 năm. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 66% của năm 2020 và thấp nhất kể từ khi Điều tra PCI-FDI được tiến hành kể từ năm 2010. Năm 2021, vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ lao động tiếp tục ở lại làm việc trên 1 năm sau khi được đào tạo tại doanh nghiệp FDI cao nhất, lần lượt ở mức 64,3% và 63,2%. Các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ lao động tiếp tục ở lại trên 1 năm là thấp nhất (57,1%). Tuy nhiên, các đứt gãy nguồn lực lao động phần lớn nằm ngoài chủ ý của cả doanh nghiệp và người lao động.

Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)