12:52:22 | 25/5/2022
Đơn hàng xuất khẩu ngành thủy sản trị giá hàng tỷ USD trong quý II đã được lấp đầy, hứa hẹn sự bứt tốc chưa từng có của thời gian tới.
XK thủy sản tăng tốc ngoạn mục
Sau 2 năm ảnh hưởng vì dịch Covid -19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh trong khi nguồn cung thủy sản tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng. Xung đột giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã nắm bắt được những “cơ hội vàng” để ký kết những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp thủy sản đang rất tự tin với đơn hàng dài hạn với số lượng lớn. Xuất khẩu thủy sản trong quý 2 đang tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo có thể chạm mốc 3 tỷ USD - mốc kỷ lục về giá trị xuất khẩu trong một quý của thuỷ sản Việt Nam. Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản dự báo, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9 tỷ USD trong năm 2022.
Số liệu từ VASEP cho thấy, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 của Việt Nam đạt 1,13 tỷ USD (tăng 50,6% so cùng kỳ năm ngoái), đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 3,6 tỷ USD (tăng tới 46,8%).
Cụ thể, với mặt hàng tôm, xuất khẩu trong tháng 4 đạt 406 triệu USD đưa giá trị xuất khẩu 4 tháng lên 1,36 tỷ USD (tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Dự kiến sản lượng tôm xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn nữa trong quý 2 khi chính thức bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn nhất trong năm, kéo dài đến hết quý 3.
Còn xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm đạt 950 triệu USD (tăng 94%) gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường cá tra đang tăng trưởng một cách ngoạn mục như Trung Quốc tăng 161%; Mỹ tăng 128%; Canada tăng 69%... Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường chủ lực, mang tính quyết định đối với việc duy trình tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới.
Đối với thị trường Mỹ, do sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá trong đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh. Đó là những yếu tố chính khiến xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá, với 232 triệu USD, tăng 128%.
Còn tại thị trường Trung Quốc, nguồn cung thuỷ sản đang thiếu hụt cho chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nên nhu cầu dự báo sẽ rất lớn. Theo bà Lê Hằng, việc Trung Quốc kiên định với chính sách "Zero Covid", phong tỏa, kiểm dịch ở Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vì các doanh nghiệp đã quen và thích nghi với điều này trong hai năm qua. XK thuỷ sản sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm đạt 578 triệu US, mặt hàng cá tra chiếm 53% XK thuỷ sản sang thị trường này.
Xuất khẩu vào thị trường châu Âu cũng đang trên đà tăng tốc ấn tượng khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số sản phẩm bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Cẩn trọng trước “bão giá” nguyên liệu
Mặc dù đơn hàng xuất khẩu dồi dào, hoạt động sản xuất phục hồi, lao động ổn định, song các ngành sản xuất chủ yếu đang phải gồng mình trong cơn “bão giá” do chi phí đầu vào gia tăng mạnh. Nguyên nhân do tác động kép từ đại dịch và xung đột Nga-Ukraine. Tại Trung Quốc, chính sách Zero Covid-19 khiến các cảng của Trung Quốc bị ách tắc, chuỗi cung ứng bị chậm lại, đẩy giá cước tiếp tục duy trì ở mức cao.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, cước vận tải biển liên tục lập đỉnh mới, đã tăng 4-6 lần và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000 USD/container trước dịch Covid-19 hiện nay đã lên từ 13.000 - 14.000 USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000 USD/container.
Chi phí đầu vào từ nguyên liệu, thức ăn, bao bì đều tăng, cộng hưởng với chi phí logistics đường biển cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp. Dù chi phí tăng nhưng các doanh nghiệp cũng khó nâng giá bán do đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần cẩn trọng trước “bão giá” vì có thể doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận ròng lại giảm do chi phí tăng cao.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI