Công ty CP Năng lượng Sinh khối Hậu Giang: Đồng hành phát triển kinh tế xanh

15:14:37 | 13/6/2022

Với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để sản xuất điện năng, Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang do Công ty CP Năng lượng Sinh khối Hậu Giang làm chủ đầu tư (viết tắt là HBE) là dự án điện sinh khối hòa lưới điện đầu tiên tại Việt Nam. Qua đó thể hiện năng lực cũng như cam kết của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế xanh, bền vững.


Phối cảnh tổng thể dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Việt Nam có nguồn sinh khối phong phú, dồi dào. Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm bao gồm khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía và trên 50 triệu tấn vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ.... Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối còn rất thấp, khoảng 10 dự án (378MW), chủ yếu tận dụng nguồn nhiên liệu là bã mía ở các nhà máy đường.

Bên cạnh đó, dù mang đến các lợi ích kinh tế xã hội, song hiện trạng phát triển ngành điện sinh khối ở Việt Nam còn khiêm tốn. Các nhà đầu tư thường gặp phải những thách thức, trước hết là nguồn nguyên liệu sinh khối phân tán và phụ thuộc mùa vụ, khó khăn trong dự báo biến động giá thành nhiên liệu trong tương lai, chi phí vận hành cao hơn các dự án năng lượng tái tạo khác, tìm kiếm nguồn tài trợ vốn phù hợp.

HBE được thành lập ngày 28/06/2021, với mục tiêu triển khai thực hiện đầu tư, phát triển, thi công xây dựng và vận hành các nhà máy điện sinh khối. Dấu mốc đầu tiên, tháng 03/2021, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Hậu Giang cấp Quyết định “Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang”,  công suất lắp đặt 20MW.

Được thực hiện tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, Dự án có tổng quy mô sử dụng đất khoảng trên 10 ha bao gồm: 02 tổ máy; 02 bến tiếp nhận nhiên liệu; đường dây đấu nối 22kV mạch kép từ nhà máy đến trạm biến áp 110/22kV Long Mỹ và các công tác liên quan; đường giao thông kết nối. 

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ là nhà máy điện sinh khối hòa lưới đầu tiên tại Việt Nam, tận dụng các nhiên liệu đốt chính từ trấu, đốt kèm dăm gỗ và các phế phẩm nông nghiệp khác, để sản xuất điện năng. Qua đó góp phần giảm thiểu sự lãng phí, hạn chế ô nhiễm môi trường, tái sinh tài nguyên thiên nhiên, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hiện HBE đang cùng với tổng thầu EPC là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) tích cực, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết với địa phương, phát điện thương mại vào cuối năm 2024. Song song với đó, công ty cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, hiệu suất cao, tối ưu về chi phí, đảm bảo quá trình vận hành, khai thác dự án, đáp ứng các quy định tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường. 

Bà Trương Ngọc Thùy Trang, Giám đốc HBE cho biết, quá trình thực hiện đầu tư dự án, công ty luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp lãnh đạo và cơ quan ban ngành tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, là dự án thí điểm đầu tiên tại Việt Nam, Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang đang được xem xét phê duyệt nguồn vốn tài trợ nước ngoài, nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. 

Thời gian tới, mô hình kiểu mẫu của nhà máy sẽ tiếp tục được HBE nghiên cứu để nhân rộng ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ và xây dựng nguồn năng lượng xanh, bền vững.

“Định hướng này phù hợp với xu thế phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới nhằm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, và đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP-26). Qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Hậu Giang nói riêng và Việt Nam nói chung”, bà Trương Ngọc Thùy Trang khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum