Đột phá hạ tầng, đưa Hậu Giang trở thành Tân Tây Đô

15:16:48 | 13/6/2022

Khơi nguồn cảm hứng

Năm 2018, tôi được mời về dự Diễn đàn Kinh tế xanh Hậu Giang do UBND tỉnh phối hợp Tạp chí Nhà quản lý tổ chức cùng đoàn tìm hiểu đầu tư Hàn Quốc. Đến 2020, tôi lại có dịp về lại Hậu Giang tham dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Hậu Giang mở mang đô thị do UBND tỉnh phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Không chỉ cá nhân tôi mà với nhiều nhà đầu tư, Hậu Giang tại thời điểm đó và cả hôm nay là “miền đất mới”, đầu tư về Hậu Giang sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tương lai sẽ rộng mở.

Hai doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam truyền cảm hứng cho tôi đi hỗ trợ cộng đồng, xúc tiến đầu tư và trực tiếp đầu tư vào Hậu Giang. Đó là ông Ito Junichi, Giám đốc văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh của Tập đoàn Nissho Iwai (nay là Tập đoàn Sojitz, một trong 7 tập đoàn đầu tư thương mại lớn nhất Nhật Bản). Ito Junichi lần đầu đến Việt Nam năm 1989 để tìm hiểu đầu tư; đến 1993 mở văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh. Qua nhiều bỡ ngỡ, khó khăn từ khi nền kinh tế mới mở cửa, đến nay Sojitz đã có hơn 23 doanh nghiêp và dự án quy mô hoạt động khá thành công tại Việt Nam. Ông Ito Junichi hiện còn là Chủ tịch World Link Japan (WLJ). Cũng từ năm 2006, WLJ đã tham gia vào 2 quỹ đầu tư với tổng mức đầu tư 113 triệu USD. Quỹ thứ nhất tập trung vào thị trường Việt Nam, quỹ thứ hai ở các nước Đông Nam Á. Tại hai quỹ này, WLJ giữ vai trò kết nối đầu tư vào các công ty của Việt Nam và Đông Nam Á hướng tới thị trường hoặc muốn trở thành đối tác kinh doanh với các công ty Nhật Bản…

Người thứ hai là doanh nhân Trần Bá Dương, đã biến một vùng đất cát trắng hoang vu tỉnh Quảng Nam trở thành một trung tâm công nghiệp, cảng biển và kinh tế sầm uất hàng đầu Việt Nam. Câu chuyện của doanh nhân Ito Junichi và của Thaco đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng tiếp thêm động lực để chúng tôi đi đến vùng đất mới đầu tư và kêu gọi đầu tư mà Hậu Giang là nơi đặt trọng tâm phát triển.

Tính chuyện đường dài

Từ lâu, đất và người Hậu Giang đã được tiếng mến khách, thân thiện và nghĩa tình. Cho đến gần đây, nhiều nhà đầu tư lại khá ấn tượng với phương châm “2 tốt” và “3 nhanh” mà các cấp lãnh đạo tỉnh đã cam kết. Hậu Giang nay không “đò giang” cách trở song còn “gập ghềnh khó đi”. Nhưng đầu tư vào Hậu Giang cần tính chuyện đường dài, không thể tính tiện, lợi trong ngày một ngày hai mà phải cùng nỗ lực, đồng hành với chính quyền địa phương khơi dậy tiềm năng, nguồn lực và thúc đẩy phát triển; từ hạ tầng giao thông đồng bộ đến vun đắp nguồn nhân lực.


Năm 1960, Tập đoàn Tokyu được phép phát triển tuyến đường sắt từ Trung tâm Tokyo đến thị trấn mới Shibuya. 1,5 thập kỷ sau đó, nhờ kết nối đường sắt, quận Shibuya trở thành một thành phố thương mại rất sầm uất của Tokyo. Trong ảnh: Một góc Shibuya hiện nay

Một dự án đầu tư hạ tầng, bất động sản có tuổi đời 20, 30, 50 năm hoặc hơn. Chính từ góc nhìn như vậy, chúng tôi đã về Hậu Giang tìm hiểu đầu tư từ năm 2018 và hiện đang xúc tiến khảo sát, nghiên cứu khả thi từng dự án trong tổng số 7 dự án đã ký kết ghi nhớ với TP.Vị Thanh đầu năm 2022.

Chúng tôi xác định việc đầu tư là dài hạn và tham gia công tác hỗ trợ cộng đồng như: Tham gia Hiệp hội Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực TP.Vị Thanh, website: www.vthr.net; tài trợ 5 tàu khách sử dụng năng lượng mặt trời giúp địa phương đa dạng hóa phương tiện du lịch đường thủy và chống biến đổi khí hậu; Hỗ trợ TP.Vị Thanh ký kết hợp tác với các đối tác Nhật Bản trong ngành năng lượng sạch (Tập đoàn Nippon Solar) và phân bón thông minh hữu cơ (Công ty công nghệ Sukaku Rikki)…

Một tầm nhìn Tân Tây Đô

Hậu Giang có vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tương tự Cần Thơ nên có điểm mạnh vị trí trung tâm của mình đồng thời là vùng vệ tinh của đô thị lớn Cần Thơ và là địa phương liên kết các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, giáp sân bay quốc tế Cần Thơ và cảng trung tâm Trần Đề, Sóc Trăng.

Với vùng ĐBSCL rộng lớn, đặc biệt là 07 tỉnh phía dưới sông Hậu, việc xác lập và phát huy vai trò đô thị trung tâm Cần Thơ đã được Bộ Chính trị xác định rõ tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vậy trung tâm động lực Cần Thơ sẽ tác động lan toả trực tiếp đến địa bàn nào? Xét về vị trí địa - kinh tế hẳn sẽ là TP.Vị Thanh, thủ phủ tỉnh Hậu Giang.

Từ tầm nhìn đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối giữa Cần Thơ và Vị Thanh. Vị Thanh là “Cần Thơ mới” với quỹ đất tốt và nguồn lực toàn diện để phát triển kinh tế. Sân bay Cần Thơ rộng ngang với sân bay Tân Sơn Nhất, có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất thế giới, nên tương lai sẽ mở nhiều chuyến bay quốc tế. Từ đây sẽ hình thành và thúc đẩy cộng đồng dân cư thị trấn, các cụm công nghiệp phát triển mạnh dọc theo tuyến đường sắt tại các ga nối tiếp nhau. Với quỹ đất rộng lớn sẽ rất thuận tiện để phát triển các cụm công nghiệp, thị trấn hợp lý và chi phí “rẻ” hơn rất nhiều so với đường sắt Hồ Chí Minh -Biên Hòa -Vũng Tàu.

Nếu phát triển tuyến đường sắt nối TP.Vị Thanh đến sân bay quốc tế Cần Thơ còn giúp phát triển kinh tế rất mạnh bao gồm du lịch, công nghiệp và đô thị. Khi du khách đáp máy bay xuống sân bay Cần Thơ, du khách sẽ đón tàu hỏa đi về TP.Vị Thanh với thời gian di chuyển khoảng 40 phút có thể dừng đỗ ở các khu công nghiệp, du lịch, đô thị, nhìn ngắm hai bên là những vườn trái cây, ao cá, đồng lúa, du khách sẽ có cảm giác thư giãn, thoải mái đến một Hậu Giang đầy nghĩa tình với “2 nhanh” và “3 tốt”.

Hơn thế với khoảng cách 60km, khi hình thành tuyến đường sắt thì việc giao thông thuận tiện, chỉ trên dưới 60 phút di chuyển. Cùng với việc hình thành tuyến đường sắt nối sân bay Cần Thơ đến TP.Vị Thanh, việc hình thành cảng trung tâm quốc tế Trần Đề và cao tốc nối Châu Đốc, Cần Thơ và Trần Đề, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phát triển và chờ Quốc hội thông qua, sẽ tạo tăng trưởng về công nghiệp và thương mại lớn tại Sóc Trăng và Hậu Giang.

Như vậy, việc phát triển tuyến đường sắt này cùng với một loạt các khu đô thị và cụm công nghiệp sẽ tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cho cả Cần Thơ và Vị Thanh có thể tranh thủ thời cơ để trở thành một Tân Tây Đô sầm uất và hiện đại bổ trợ cho Tây Đô - Cần Thơ hiện hữu.

Với mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư hàng đầu tại Nhật Bản, Công ty TNHH Pacific Group xin chia sẻ một số ý tưởng gợi mở phát triển, đồng thời sẵn sàng tạo cầu nối, xúc tiến để biến những ý tưởng trên trở thành hiện thực, góp phần đưa Hậu Giang trở thành Tân Tây Đô trong tương lai gần.

Xin chia sẻ thêm rằng để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, công tác xúc tiến đầu tư có ý nghĩa hết sức quan trọng, thường xuyên, dài hạn và kiên nhẫn. Một hội nghị đầu tư có thể hút ngay nhà đầu tư vào hoặc chưa vào nhưng các nhà đầu tư đã nhận biết thế mạnh địa phương. Tổ chức hội nghị đầu tư cần đa dạng, đôi khi cần tổ chức tại thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hoặc thị trường trọng điểm mà tỉnh hướng tới (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hong Kong, Trung Quốc) chứ không nhất thiết chỉ tổ chức tại quê nhà. Bởi khi hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, việc nhà đầu tư di chuyển trên đường hơn 5 giờ để đến địa điểm kêu gọi đầu tư sẽ tạo cảm giác mệt mỏi, ảnh hưởng tâm lý.

 

Lê Ngọc Ánh Minh
Chuyên gia Đầu tư Hạ tầng,
Chủ tịch Công ty TNHH Pacific Group

 

Nguồn: Vietnam Business Forum