15:28:16 | 27/6/2022
Trải qua 02 thập kỷ phát triển cảng biển theo quy hoạch được duyệt, cảng biển Việt Nam đã định hình một hệ thống cảng gồm 34 cảng biển, 296 bến cảng được công bố khai thác với tổng chiều dài khoảng 96 km, công suất thông qua khoảng 750 triệu tấn/năm.
Thực trạng ngành cảng biển trong giai đoạn hiện nay
Hàng hải là một ngành kinh tế mang tính đặc thù và hội nhập quốc tế rất cao. Trong những năm qua, hạ tầng ngành hàng hải, đặc biệt là hạ tầng cảng biển có một vai trò rất quan trọng vừa mang tính chất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đất nước vừa tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; Cảng biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung; Cảng biển Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ; Cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng biển Hải Phòng. Các cảng này đã và đang thực hiện vai trò cảng cửa ngõ quốc tế và đảm nhận chức năng trung chuyển. Năm 2020, hệ thống cảng biển Việt Nam đã thông qua 692,2 triệu tấn (gấp khoảng 8,4 lần so với sản lượng thông qua năm 2000) và vượt 1,7% so với dự báo nhu cầu cho năm 2020 (640-680 triệu tấn theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của TTCP). Hàng năm, cảng biển Việt Nam góp phần thông qua toàn bộ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, chiếm đến trên 90% tổng nhu cầu XNK của cả nước, cảng có vai trò quan trọng trong việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế.
Từ những chính sách mở về đầu tư, thời gian qua VN đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển cảng biển tại Việt Nam như: Tập đoàn DP World - UAE tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT – Tp Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine - Mỹ tham gia đầu tư khai thác bến cảng CICT tại Quảng Ninh và bến cảng SSIT tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn PSA - Singapore tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn APMT - Đan Mạch tham gia đầu tư khai thác Cảng CMIT tại Bà Rịa – Vũng Tàu; tập đoàn Hutchison Port Holding - Hong Kong tham gia đầu tư bến cảng SITV tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Các hãng tàu Mitsui O.S.K line - Nhật Bản, Wanhai Lines - Đài Loan tham gia đầu tư, khai thác bến cảng Container quốc tế Tân Cảng Cái Mép. Hãng tàu MOL, NYK tham gia đầu tư bến cảng Lạch Huyện... Những nhà khai thác cảng chuyên nghiệp trên thế giới, các hãng tàu và một số nhà khai thác cảng trong nước như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã mang đến những dịch vụ cảng biển tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh cảng biển Việt Nam.
Với việc cải thiện chất lượng dịch vụ cảng biển kèm theo nhu cầu vận tải biển của Việt Nam ngày cảng lớn đã thu hút các hãng tàu mở tuyến từ Việt Nam kết nối với các quốc gia khác trên thế giới. Khu bến lạch Huyện của Việt Nam đã tiếp nhận tàu trọng tải đến 132.000DWT, khu bến Cái Mép Thị Vải đã tiếp nhận tàu trọng tải đến 214.000 DWT tương đương sức chở trên 18.000 TEU. Từ khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải hàng tuần với tổng cộng gần 40 tuyến tàu, trong đó 18 tuyến vận tải đi Âu, Mỹ, 10 tuyến nội Á, đưa Việt Nam dần trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi hải trình toàn cầu.
Những thuận lợi, khó khăn trong khai thác cảng biển
Kể từ sau mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn kinh tế chính trị thế giới (ASEAN – 1995, ASEM-1996, APEC-1998, WTO – 2007, CPTPP-2018 và EVFTA – 2020), vị thế ngày càng được nâng cao. Song song với quá trình hội nhập, giá trị thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng liên tục tục phát triển. Năm 1995 giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 13,6 tỷ đô la nhưng đến năm 2021 giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 668,5 tỷ đô la. Cùng với đó sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cũng liên tục tăng trưởng, năm 1995 đạt 34 triệu tấn, đến năm 2021 sản lượng hàng qua cảng biển đạt trên 706 triệu tấn gấp gần 21 lần so với thời điểm năm 1995. Bình quân tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển hàng năm đạt khoảng 12,4%. Trong suốt quá trình hội nhập, ngành hàng hải nói chung và kinh tế khai thác cảng biển nói riêng đã đóng góp một vai trò rất to lớn vừa mang tính chất phục vụ phát triển kinh tế vừa là tạo động lực thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với lợi thế vận tải biển và khai thác cảng biển.
Với vai trò là lĩnh vực kinh tế đặc thù có tính quốc tế hóa rất cao vừa là kết cấu hạ tầng giao thông và đồng thời là hạ tầng kinh tế, cửa khẩu quốc tế nên trong quá trình phát triển, khai thác cảng biển có những thuận lợi khá rõ ràng.
Trước tiên, kinh tế khai thác cảng biển là một trong những trọng tâm của lĩnh vực hàng hải được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển. Bộ Luật Hàng hải Việt Nam – một Bộ Luật chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam được Quốc Hội thông qua năm 2005 (sửa đổi năm 2015), là một dấu mốc rất quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách cụ thể để phát triển ngành hàng hải nói chung, cảng biển nói riêng và mở rộng hợp tác hàng hải với các quốc gia trên toàn thế giới.
Đặc biêt, là một quốc gia tiếp giáp với tuyến hàng hải quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới trên biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài dọc theo đất nước có nhiều vị trí thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển để phục vụ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, với chính sách mở cửa, Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, trong đó kinh tế xuất khẩu ngày càng tăng trưởng, mở rộng. Đồng thời việc gia nhập, ký kết các hiệp định vận tải với các quốc gia trên toàn thế giới đã thúc đẩy giao thương làm không ngừng gia tăng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam.
Ngoài ra, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo phát triển cảng biển có định hướng theo quy hoạch trong suốt 20 năm qua. Đây là cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư (chủ yếu là nguồn vốn ngoài ngân sách) phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát triển hạ tầng cảng biển vẫn có những tồn tại và khó khăn thách thức. Với đặc thù của một lĩnh vực kinh tế có tính quốc tế hóa cao, do đó những tác động của nền kinh tế và ngành hàng hải quốc tế cũng ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác cảng biển Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động bởi chiến tranh, dịch bệnh, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn…. Bên cạnh đó, năng lực dự báo trong quy hoạch thời gian qua còn hạn chế, dẫn đến quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần.
Trong quá trình đầu tư cảng biển, việc phân nhỏ các khu chức năng cảng đã quy hoạch để thực hiện theo năng lực của các nhà đầu tư đã tạo sự manh mún trong việc triển khai, làm hạn chế hiệu quả khai thác tài nguyên đường bờ, hạn chế không gian phát triển cảng và phát sinh cạnh tranh nội bộ các cảng trong cùng một khu vực.
Ngoại trừ một số cảng mới hình thành, hầu hết các cảng vẫn sâu trong lục địa, vừa hạn chế về điều kiện luồng lạch, vừa tạo áp lực lên hệ thống giao thông đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải và khai thác cảng biển; Kết nối giao thông đến cảng một số vị trí còn thiếu đồng bộ, các phương thức vận tải lớn như đường sắt, đường cao tốc gắn với cảng còn hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư khai thác cảng.
Đáng chú ý, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là rất lớn, trong khi đó nguồn ngân sách hạn hẹp, chưa chủ động, đặc biệt đối với các dự án quan trọng có tính đột phá.
Tiềm năng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam gắn với Quy hoạch hệ thống cảng biển giai đoạn tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, một số nội dung nổi bật của Quy hoạch lần này như sau:
Quy hoạch xác định cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế.
Nhấn mạnh việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác hướng tới xây dựng cảng biển xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đường bờ, mặt nước;
Phát triển cảng biển trên cơ sở kế thừa thành quả đã đạt được trong suốt 20 năm phát triển cảng biển theo quy hoạch, ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo. Năng lực của hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua đến năm 2030 từ 1.140-1.420 triệu tấn (gấp 1,64 – 2 lần so với sản lượng thông qua cảng biển năm 2020), trong đó hàng container từ 38-47 triệu TEU (gấp 1,7-2 lần so với khối lượng thông qua năm 2020);
Về các lĩnh vực ưu tiên phát triển: (1) Về kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng gồm: Đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 TEU); dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải; nâng cấp luồng vào cảng Nghi Sơn, luồng sông Chanh, luồng Cẩm Phả, luồng Thọ Quang và các tuyến luồng khác; các đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải. (2) Về hạ tầng bến cảng gồm: Đầu tư các bến tiếp theo thuộc khu bến Lạch Huyện; bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng); các bến tại khu bến Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I; các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển; kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.
Nguồn lực cho phát triển cảng biển chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313 ngàn tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam
Nguồn: Vietnam Business Forum