10:30:53 | 20/6/2022
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền báo chí Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp.
Chủ động, kịp thời trong công tác tuyên truyền
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Trần Thanh Lâm, tính đến năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 02 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 01 Đài TH KTS VTC, 64 đài địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội).
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Trần Thanh Lâm đánh giá, công tác thông tin trên báo chí đã chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt, nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội.
Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú.
Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước được quan tâm, chú trọng. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần thống nhất nhận thức, cổ vũ động viên không chỉ những nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ mà cả toàn dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các cơ quan báo chí đối ngoại chú trọng thông tin nổi bật thành quả toàn diện của đất nước, của đối ngoại nói riêng; phân tích, nêu bật kết quả trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, các lĩnh vực đối ngoại quốc phòng - an ninh, ngoại giao văn hóa, ngoại giao vắc-xin..., trên cả đối ngoại song phương và đa phương; khẳng định những kết quả bước đầu đạt được trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 là rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; khẳng định năng lực, vị thế, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao của Việt Nam...
Đặc biệt, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng, hiệu quả to lớn, luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân. Hầu như ấn phẩm nào cũng có chuyên mục, chuyên trang, số phát hành nào cũng có chí ít một vài bài, tin, ảnh liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống mọi mặt của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Các bài viết kịp thời và tâm huyết, có trách nhiệm của báo chí khiến doanh nghiệp được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và tăng cường gắn bó, trở nên nổi tiếng và phát triển kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra, các thông tin thị trường và tình hình biến động của chính sách, môi trường và kinh nghiệm kinh doanh được phản ánh trên báo chí đã, đang và sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn, từ đó góp phần để doanh nghiệp định hướng và điều chỉnh chiến lược, chính sách và cách thức kinh doanh phù hợp, nhạy bén hơn với các nhu cầu và triển vọng thị trường. Mối quan hệ “cộng sinh” giữa doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua cầu nối báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp doanh nhân vẫn dành cho báo chí sự hợp tác giúp đỡ thiết thực, góp phần giúp báo chí vượt khó, tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước và nhân dân.
Thách thức và sức ép chuyển đổi
Tuy nhiên, trong năm qua kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Số lượng phát hành và quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí giảm, nhiều cơ quan báo chí phải giảm trang, giảm kỳ xuất bản. Về báo hình, doanh thu của nhiều đài giảm mạnh, có đài sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.
Ngoài ra, sự cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình và cung cấp lên các hạ tầng truyền dẫn trên mạng internet qua các trang web, ứng dụng, mạng xã hội, hình thành xu thế “truyền thông đại chúng” với những thông tin đa chiều, khó định hướng.
Bên cạnh khó khăn về tài chính và cạnh tranh trong nội bộ ngành, các cơ quan báo chí còn phải đối mặt với sự tụt hậu về công nghệ, về phương thức làm báo hiện đại trong bối cảnh truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài có bước phát triển vượt bậc về khoa học, ứng dụng công nghệ. Vì vậy, nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới. Các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài đang có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, nhưng vẫn là yếu tố ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế cho báo chí, truyền thông Việt Nam khi chưa chia sẻ thỏa đáng doanh thu từ khai thác các thông tin từ báo chí.
Tốc độ phát triển kinh tế xã hội diễn ra nhanh, nhiều hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, nguy hiểm do đó đòi hỏi công tác bảo vệ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp cần phải được coi trọng và tăng cường, nhất là đối với các phóng viên, nhà báo thực hiện mảng đề tài phóng sự điều tra.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí, nhất là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và kinh tế báo chí.
Cải tiến mạnh mẽ, nắm bắt xu thế chuyển đổi số
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Trần Thanh Lâm, xu hướng tất yếu sắp tới là chuyển đổi số, do đó, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, vào doanh thu quảng cáo. Nhận thức về chuyển đổi số báo chí đã rõ nét, thể hiện bằng việc ban hành các kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số.
Nhiều cơ quan báo chí đã có đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, kênh chương trình, thực hiện bản tin, chương trình trực tiếp, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, được đông đảo dư luận quan tâm, hoan nghênh; tăng tỷ lệ chương trình tự sản xuất, hướng tới việc thay thế dần các chương trình khai thác từ nước ngoài.
Về đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân, nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu, sở thích của công chúng. Hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, trao đổi chương trình được các đài phát thanh truyền hình đẩy mạnh vừa tạo ra những chương trình hay, hấp dẫn khán giả, vừa tạo thêm nguồn thu quảng cáo để bù đắp chi phí, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI