10:30:02 | 8/6/2022
Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021, trong đó rau quả đóng góp gần 3,6 tỷ USD.
Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 28/5 đến 31/5 là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân cả nước. Chương trình nhằm tôn vinh người trồng cây ăn quả và quảng bá thương hiệu sản phẩm mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Việt Nam, nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Sơn La. Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, quảng bá tiềm năng, cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ trái cây, sản phẩm OCOP ở trong và ngoài nước; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.
Cùng với đó là chuỗi những sự kiện liên hoàn, bổ trợ lẫn nhau trong một chương trình tổng thể gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn và ý nghĩa như hội thảo “Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; triển lãm con đường nông sản; triển lãm trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam; triển lãm “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Sơn La”; trưng bày, triển lãm, xúc tiến thương mại hàng Việt tại Tây Bắc; triển lãm trực tuyến trái cây và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử Postmart.
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được nâng lên.Dịch bệnh Covid 19 trong hơn 2 năm qua đã ảnh hướng đến mọi mặt kinh tế- xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực của cả nước. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới, với giá trị hơn 48 tỷ USD năm 2021. Thực tế tại các địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn quả.
Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018, với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.
Thủ tướng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân để làm nên những thành công trên.
Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị ngành nông nghiệp nói chung và Sơn La nói riêng, Thủ tướng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái trái cây, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, và là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Thủ tướng chỉ đạo cần giải quyết 5 vấn đề căn bản là: Xây dựng thương hiệu, quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu, phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực, đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công tư, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống cần cù, sáng tạo, tích cực chủ động hội nhập Quốc tế, với ý chí "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền" và tinh thần "bàn tay ta làm lên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm" của người nông dân Việt Nam, cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ phát triển ngày càng vươn xa.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI