08:58:47 | 7/6/2022
Từ một loại rau gia vị quen thuộc tía tô đã bước vào quy trình chế biến sâu, dần thâm nhập vào chuỗi các sản phẩm của địa phương và là sinh kế cho những người phụ nữ vùng cao
Với mong muốn nâng cao giá trị cho cây tía tô tại địa phương, đồng thời tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, chị Trần Anh Xuân, Giám đốc HTX Sa Pa Secrets, thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa đã nghiên cứu và bước đầu khởi nghiệp thành công với các dòng sản phẩm được làm từ loại cây quen thuộc này. “Tôi mơ ước xây dựng được chuỗi sản phẩm làm đẹp an toàn từ cây tía tô đỏ, góp phần bảo tồn, nâng cao giá trị cho thảo dược địa phương, đồng thời tạo sinh kế cho phụ nữ vùng cao” chị Anh Xuân tự hào chia sẻ.
Gặp chị Trần Anh Xuân tại Hội nghị quốc gia và Lễ tổng kết Great giai đoạn 1 do Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (GREAT) do chính phủ Australia tài trợ vẫn nụ cười tươi tắn của cô gái quê lúa Thái Bình lên Lào Cai lập nghiệp, chị nói: hiện các sản phẩm tinh dầu của hợp tác xã không đủ đáp ứng đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu hạn chế. Hợp tác xã đang tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu. Dự định năm 2022, hợp tác xã sẽ ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm tía tô với tổng diện tích khoảng 30 ha, đồng thời xây dựng mô hình farmstay để đón khách du lịch. Tại đây, du khách có thể tham quan và trải nghiệm khu vực sản xuất, tận tay làm ra các mỹ phẩm mà mình vẫn sử dụng hằng ngày… Chị Xuân chia sẻ thêm: Mục tiêu bền vững xuyên suốt của Hợp tác xã Sa Pa Secrets là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ phục vụ sản xuất; áp dụng công nghệ hiện đại trong chế biến dược liệu; tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các sản phẩm từ tinh dầu và thảo mộc thiên nhiên như ngâm chân, thảo dược tắm… tạo sinh kế cho người dân Tả Phìn, đặc biệt là phụ nữ.
Trước khi thành lập HTX Sa Pa Secrets chị Xuân thực hiện các tour du lịch bản làng giá rẻ cho sinh viên và người thu nhập thấp, mở một vài homestay đón khách. Ngoài công việc hướng dẫn viên du lịch, hằng ngày, chị Xuân dành phần lớn thời gian lặn lội đi rừng, miệt mài với các hệ thực vật. Không biết từ bao giờ, chị “say” mùi hương các loại thảo mộc như sả, hồi, quế… Tình cờ, chị Xuân phát hiện tại Tả Phìn có giống tía tô đỏ bản địa rất quý, có màu sắc đậm hơn tía tô thông thường, đồng thời có hàm lượng tinh dầu vượt trội (1,2 tấn lá cho thu 1 lít tinh dầu) và hàm lượng chất oxy hóa cao hơn. “Sinh ra và lớn lên từ vùng quê Thái Bình, ngày còn nhỏ, tôi bị “nghiện” món cá chép om dưa cho thêm lá tía tô thơm nồng của mẹ, rồi cả cốc trà tía tô mẹ sắc cho tôi mỗi khi bị cảm cúm, thứ nước ấm áp như tình yêu của mẹ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Sau này, trong quá trình tìm hiểu về tía tô đỏ Tả Phìn, tôi càng thêm ngạc nhiên về những lợi ích của loại thảo dược quen thuộc này”, chị Xuân nhớ lại.
Tía tô có hàm lượng dược tính cao, ứng dụng nhiều trong y học dân gian và làm đẹp. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến từ tía tô còn rất hạn chế, chưa tiện dụng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và chưa mang lại giá trị cao cho người sản xuất. Chính vì thế, chị Xuân đã nghiên cứu chế biến tinh dầu tía tô và ước mong thúc đẩy cây trồng này thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân Tả Phìn. Năm 2018, chị Xuân cùng 6 phụ nữ bản địa thành lập Hợp tác xã Sa Pa Secrets với mô hình sản xuất khép kín từ trồng, nghiên cứu đến sản xuất các sản phẩm từ tía tô đỏ. Chỉ sau 3 năm, chị đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 3 ha với 15 sản phẩm chính từ tía tô như trà túi lọc, cao, tinh dầu tía tô, sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm...
Để làm ra được các dòng sản phẩm từ cây tía tô đảm bảo chất lượng, ngay từ lúc lên ý tưởng, chị Xuân đã xác định những sản phẩm này phải 100% từ thiên nhiên, đảm bảo an toàn. Bởi vậy mà quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến sản phẩm đều không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chị Xuân chia sẻ: "Trong quá trình làm tôi gặp rất nhiều khó khăn vì các sản phẩm đều là sản phẩm mới. Tôi thường xuyên lấy những nhận xét của khách hàng để cải thiện sản phẩm tốt hơn. Tôi trồng cây tía tô theo phương pháp hữu cơ không sử dụng hóa chất. Tôi cũng cố gắng để tạo thêm việc làm cho nhiều chị em người dân tộc thiểu số".
Theo đuổi triết lý kinh doanh “hương tỏa từ tâm”, các thành viên Hợp tác xã Sa Pa Secrets tin rằng con đường đến với thảo mộc đại ngàn là con đường đúng, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Với mô hình sản xuất khép kín, chị Xuân mong tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn, ai cũng được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình.
Bà Giàng Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Sa Pa cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của chị Xuân ra thị trường bằng các hình thức như giới thiệu cho chị tham gia các hội thảo, hội nghị cấp tỉnh, trung ương, kết nối thị trường, giới thiệu cho các tổ chức để hỗ trợ chị giới thiệu các sản phẩm".
Mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng nhà xưởng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm từ tía tô, kết hợp với các dịch vụ du lịch cho du khách tới tham quan nhà xưởng, trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tại trang trại trồng cây tía tô, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nhiều việc làm cho các chị em phụ nữ là những dự định sẽ được chị Trần Anh Xuân tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Tại Chương trình Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2021, chị Xuân đã thuyết trình: “Xuất phát điểm cao hay thấp không quan trọng. Đi nhanh hay chậm không quan trọng. Trước hay sau không quan trọng. Quan trọng là mang lại giá trị cốt lõi cho những người xung quanh. Chúng tôi tin rằng, chất lượng sản phẩm chính là giá trị cốt lõi của Hợp tác xã Sa Pa Secrets”. Hy vọng với sự tận tâm và nhiệt huyết của mình chị Xuân và những người phụ nữ vùng cao sẽ tạo thu nhập ổn định, ổn định sinh kế để chị em đã tự tin hơn trong cuộc sống tiến tới xóa bỏ các rào cản và định kiến giới tại vùng dân tộc thiểu số.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)