13:08:56 | 25/5/2022
Những nút thắt về cơ chế chính sách trong quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đã được cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Do đó, việc tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tái cơ cấu hiệu quả là mục tiêu dài hạn mà Việt Nam cần đạt tới.
Chưa đạt hiệu quả
Việc cơ cấu lại DNNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với việc thực hiện phương án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và kế hoạch CPH, thoái vốn nhà nước tại DN trong giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số lượng DNNN đã giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015. Mặc dù số lượng DNNN chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số DN đang hoạt động trong cả nước tính đến thời điểm 31/12/2020, nhưng các DNNN vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.
Công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị DN và hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách; cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, nhà đầu tư và người lao động...
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19, DNNN đã khẳng định được vị trí then chốt của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các tập đoàn, tổng công ty, DNNN luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều mục tiêu cơ cấu lại DNNN chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Các kết quả thống kê đã cho thấy, còn nhiều DN chưa hoàn thành CPH và chưa hoàn thành thoái vốn. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các DN sau khi CPH vẫn còn cao, chưa đạt mục tiêu thay đổi phương thức quản trị DN.
Theo Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc, các tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như: tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành; nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng, tức là cổ phần hóa rất chậm. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ tài chính, việc sắp xếp nhà đất chưa có quy định rõ ràng như: xác định lợi thế thương mại, liên danh liên kết…; vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu…
Trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách
Trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều biến động khó lường… dự báo tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của cộng đồng DN nói chung và các DNNN nói riêng, để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”, chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN của Đảng, Nhà nước tiếp tục được khẳng định, gần đây nhất là tại Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025" ban hành cùng Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất thời gian tới, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Đặc biệt, cần đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu…
Theo ông Phạm Văn Đức, trọng tâm hoàn thiện thể chế cho giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước chủ động sắp xếp để giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển; khu vực doanh nghiệp nhà nước thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản- Bộ Tài chính Cần tiếp tục thực hiện rà soát để hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất Tính đến nay, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 202.647 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 7.287,1 triệu m2 đất và 276,4 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 159.870 cơ sở với tổng diện tích là 3.368,3 triệu m2 đất; 230,1 triệu m2 nhà. Theo tổng hợp từ báo cáo kê khai về Bộ Tài chính, khối doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý hiện nay đang quản lý, sử dụng khoảng 17.564 cơ sở nhà, đất tương ứng 130 triệu m2 đất. Đến nay đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 15.976 cơ sở nhà, đất tương ứng 124 triệu m2 đất. Quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, thực trạng quản lý, sử dụng nhà, đất hiện nay còn phức tạp và khó xử lý; Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa thực hiện đầy đủ trong việc thực hiện sắp xếp nhà, đất và chính sách di dời của Nhà nước, một số địa phương triển khai chậm, một số dự án kéo dài... Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, cần tiếp tục thực hiện rà soát để hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục, nhất là khi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn có thể kéo dài, có thể xảy ra thất thoát và vì vậy gây bức xúc trong dự luận, khiến dư luận hiểu sai về cổ phần hóa. Trong khi đó, giá trị quyền sử dụng đất chỉ gia tăng khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất của DN trước và sau cổ phần hóa không thay đổi, vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan. Việc đưa phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn chưa rõ sự cần thiết, gây khó khăn trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, trong khi việc rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, được thực hiện cả trước và sau cổ phần hóa, để bảo đảm mục đích, hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí. Bởi vậy, đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN vì hình thức sử dụng đất của DN trước và sau khi cổ phần hóa, thoái vốn vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất nên giá trị quyền sử dụng đất không gia tăng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn mà chỉ khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa vì rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị DN Hiện nay, việc xác định giá trị DN thực hiện theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ. Hai văn bản này cũng quy định rõ đất đai nào thuê hàng năm có trả tiền một lần mới tính vào giá trị DN, còn đất trả tiền thuê hàng năm sẽ không tính vào. Đây là vấn đề vô cùng khó. Việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị DN thì mới gỡ được “điểm nghẽn” lớn, góp phần đẩy nhanh cổ phần hóa. Về lý thuyết, phải xác định theo giá trị trường, nhưng thế nào là giá thị trường khi mà chưa ra đấu thầu, kể cả đấu thầu cũng không chắc đó là giá trị trường, vì có khi giá cao quá, có khi giá thấp quá. Vậy nếu muốn đưa đất ra khỏi giá trị DN thì phải có văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ nêu rõ nội dung này. Về phương án sử dụng đất, việc cho rằng cổ phần hóa, thoái vốn xong sẽ mất đất là không đúng. Vấn đề cốt lõi là thất thu ngân sách nhà nước. Bởi vậy, cần phải xem xét lại phương án sử dụng đất và coi đây là vấn đề cốt lõi. Ví dụ như quá trình chuẩn bị cổ phần hóa của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã sắp xếp phương án sử dụng của hàng nghìn miếng đất, nhưng mới đạt hơn 94% thì cũng không thể tiến hành cổ phần hóa. Bà Nguyễn Thị Thu Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Thực hiện triệt để hơn việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước Giai đoạn 2016-2020, chính sách và quy định về tái cơ cấu, CPH, thoái vốn còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung. Đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, các vướng mắc về cơ sở pháp lý mới cơ bản được tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc thực hiện thoái vốn gặp khó khăn do quy mô thị trường còn nhỏ, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN CPH, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư đối với các DN hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực còn thấp, dẫn đến một số trường hợp thoái vốn không thành công mặc dù Ủy ban đã tích cực chỉ đạo và xây dựng và triển khai phương án thoái vốn. Để tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN, cần xem xét thực hiện triệt để hơn việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cả về thể chế và tổ chức, bộ máy. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật DN từng bước áp dụng khung quản trị DN phù hợp với chuẩn mực quốc tế; Đa dạng hóa các hình thức giảm vốn nhà nước theo hướng kết hợp giữa việc bán phần vốn nhà nước với việc tăng quy mô vốn điều lệ của DNNN... Đề nghị Bộ Tài chính sớm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN; các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật còn bất cập hoặc chưa rõ ràng liên quan đến công tác cơ cấu lại, CPH, thoái vốn. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2021-2025… |
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI