Long An: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực ĐBSCL

10:48:15 | 6/7/2022

Bằng nhiều chính sách hợp lý, cùng với chiến lược thu hút đầu tư và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, đã giúp Long An trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ đầu tư của nước nhà. Trong đó không thể không kể đến vai trò của Sở KH&ĐT Long An đơn vị đã làm tốt vai trò tham mưu trong lĩnh vực đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Diện mạo Long An đầy sức hút

Với quyết tâm xây dựng hình ảnh Long An là một tỉnh có môi trường đầu tư tiềm năng, thân thiện, bình đẳng; cùng với vai trò là cơ quan đầu mối, chủ trì, thời gian qua, Sở KH&ĐT Long An đã tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương thẩm định trình UBND tỉnh tiếp nhận các dự án đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan. Trên tinh thần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong tham mưu các vấn đề liên quan đến kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, giảm áp lực đầu tư công; tham mưu các vấn đề liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Với những thành công tích cực phải kể đến khi tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,11%; đây là mức tăng trưởng tương đối khá, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn; bất ổn về chính trị, chiến tranh giữa Nga và Ukraine, giá xăng tăng cao, nguy cơ lạm phát,… Với mức tăng trưởng này, tỉnh Long An đứng 06/13 các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long  và đứng thứ 5/8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khoảng thời gian dài bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,09% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,70%; khu vực dịch vụ chiếm 27,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,87%.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được chú trọng thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt tỉnh đã tổ chức lễ ra mắt KOCHAM Long An và Tọa đàm với doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 3 vừa qua, có sự tham dự của Ngài Kang Myong-il, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM và các tổ chức cơ quan, doanh nghiệp Hàn Quốc. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được củng cố, cải thiện. Thu hút đầu tư đạt một số kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm thành lập mới 817 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 12.856 tỷ đồng (tương đương 553,3 triệu USD), tăng 8,7% về số doanh nghiệp và giảm 0,87% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tiếp nhận đầu tư trong nước 53 dự án mới và điều chỉnh vốn cho 13 dự án ; tổng vốn cấp mới và tăng thêm 14.469,05 tỷ đồng (tương đương 622,7 triệu USD). Đối với tiếp nhận đầu tư FDI, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án, điều chỉnh vốn cho 34 dự án; tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 407,3 triệu USD.

Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 14.550 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 360.903 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD); và hơn 70.100 hộ kinh doanh cá thể; có gần 2.200 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký gần 268.300 tỷ đồng (tương đương 11,5 tỷ USD); và 1.144 dự án FDI, với vốn trên 9,8 tỷ USD; với kết quả này, Long An hiện đang dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút FDI.

Định hướng thu hút đầu tư

Trong định hướng phát triển của tỉnh, Long An sẽ tận dụng vị trí chiến lược quan trọng, giáp ranh TP.HCM: là cửa ngõ giữa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đến ĐBSCL và Campuchia để biến khát vọng trở thành trung tâm chế biến và phân phối nông sản công nghệ cao lớn nhất của vùng trở thành hiện thực trong 10 năm tới.

Cùng với đó, Long An đang đứng trước cơ hội thu hút làn sóng đầu tư đầy tiềm năng trên các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, nhất là tại các huyện giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh. Long An có lợi thế từ việc công nghiệp hóa sau các tỉnh công nghiệp lớn tiếp giáp với TP HCM như Bình Dương hay Đồng Nai. Vì thế, trong định hướng phát triển kinh tế, Long An vẫn xác định công nghiệp là động lực để phát triển nhanh trong 05-10 năm tới. Cụ thể là chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm các bài học về môi trường và phát triển bền vững để xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, phù hợp với xu thế toàn cầu để thu hút các ngành công nghiệp xanh, sạch và công nghệ cao phát triển song song với xu thế bền vững và nền kinh tế số; cũng như tạo ra môi trường sống lý tưởng để thu hút nhân tài đến đây.

Để cộng hưởng cho các thế mạnh và tầm nhìn đó, về định hướng nhân sự, Long An cam kết tập trung phát triển xã hội gắn liền với phát triển kinh tế, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực: giáo dục, y tế, luật pháp và môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với nhà đầu tư để đạt được sự hợp tác đầu tư, đồng hành cùng phát triển với tầm nhìn dài hạn cho tỉnh Long An thông qua các cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Ngoài việc tận dụng tối đa những lợi thế đang có, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu 5 năm (2021-2025), phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm tốt đến rất tốt; phấn đấu trong năm 2022 vốn đầu tư đăng ký tăng 10% so với năm 2021; thì trong thời điểm này, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến (chế biến sâu sản phẩm nông thủy sản như đóng hộp, nước ép, sấy), công nghiệp năng lượng… Đặc biệt là tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics, tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Trong công cuộc này, Long An sẽ cần nhiều giải pháp thiết thực, quan trọng hơn hết là thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra nhiều quỹ đất sạch với giá cả cạnh tranh, chăm lo tốt cho nhà đầu tư và xem doanh nghiệp là nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Thành công của doanh nghiệp chính là niềm động viên để tỉnh Long An làm tốt hơn. Long An rất trân trọng và luôn sẵn sàng chào đón cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng phát triển, cùng thành công tại Long An./.

Hoàng Lâm (Vietnam Business Forum)