Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo lợi thế cạnh tranh

14:37:50 | 8/8/2022

Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Cần Thơ đã có nhiều quyết sách, tạo lực đẩy đưa ngành công nghiệp không khói phát triển. Thành phố đã và đang chủ động tạo ra những sản phẩm đặc thù, độc đáo và mới lạ nhằm tạo sự khác biệt để thu hút du khách.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu điểm đến

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ÐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định “Phấn đấu đưa TP. Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng ÐBSCL, là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước”. Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về phát triển du lịch đề ra mục tiêu: “Ðưa du lịch TP. Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng trong cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng của Thành phố; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, xứng tầm đô thị trung tâm vùng ÐBSCL”.

Ngoài ra, để tiếp tục đẩy mạnh phát triền du lịch trong điều kiện bình thường mới, Thành ủy Cần Thơ cũng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU Ngày 31/12/2021, về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, nhằm định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quyết tâm thực hiện các mục tiêu trên, những năm qua, du lịch Cần Thơ đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng du khách lẫn doanh thu đều tăng ấn tượng với tỷ lệ bình quân 20%/năm. Cùng với xu hướng của cả nước, những tháng đầu năm 2022 du lịch Thành phố cũng phục hồi mạnh mẽ.

Lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố đón hơn 2.720 triệu lượt khách, đạt 67,9% kế hoạch, tăng 48% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 975.128 ngàn lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt trên 1.733 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021.

Một trong những thay đổi đáng ghi nhận của du lịch Cần Thơ là đã xác định đúng trọng tâm các sản phẩm đặc thù như: sinh thái sông nước đô thị; du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, khen thưởng, sự kiện, triển lãm)…

Nhiều sản phẩm mới được hình thành mang đậm yếu tố văn hóa bản địa, được nhiều du khách biết đến, như: du lịch cộng đồng cồn Sơn, cù lao Tân Lộc; các điểm sinh thái, nông trại: Ông Đề, Chín Hồng, Cantho Farm, Bảo Gia Trang Viên… Các điểm đến của Cần Thơ đã có sự đa dạng hơn với nhiều trải nghiệm. Cụ thể, cồn Sơn có “đặc sản cá” với nhiều trải nghiệm mới mẻ: cá lóc bay, cá ăn cơm bằng muỗng…; cù lao Tân Lộc là vùng đất ngọt của nhiều vườn cây.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã có những sản phẩm khai thác từ thế mạnh đường sông, như: du thuyền Victoria Mekong với tuyến đường sông cao cấp Cần Thơ - Châu Đốc - Phnôm Pênh, tàu cao tốc Mai Linh Express tuyến Cần Thơ - Côn Đảo; 3 du thuyền phục vụ khách tham quan, ăn uống về đêm...

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Hiện nay, nhiều mô hình chuyển đổi số như Cổng Thông tin du lịch Thành phố tại địa chỉ https://canthotourism.vn và http://mycantho.vn đã đi vào hoạt động và ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Bên cạnh đó là các giải pháp công nghệ phục vụ công tác quản lý, điều hành; quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm, truy cập thông tin và nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nắm bắt xu thế và nâng cao tính cạnh tranh…

Không chỉ vậy, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Cần Thơ đều tham gia ứng dụng số, trong đó có những doanh nghiệp nắm bắt nhanh xu hướng đã đầu tư trang web, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, số hóa dữ liệu. Một số nhà vườn, khu du lịch cộng đồng cũng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ để xây dựng hình ảnh, giới thiệu sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ cho biết, chủ đề năm 2022 của Cần Thơ là "Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội".  Thành phố sẽ tích cực xây dựng sản phẩm du lịch an toàn và thân thiện, thông qua chuyển đổi số mạnh mẽ ở các khía cạnh: ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, số hóa dữ liệu, đầu tư trang web…

Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố về kế hoạch “Chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tuyên truyền, hướng dẫn để cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp nhằm quảng bá, xây dựng sản phẩm đặc thù cho địa phương.

“Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai nền tảng dữ liệu du lịch mở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, đóng góp dữ liệu vào hệ thống dữ liệu chung và cùng khai thác”, ông Nguyễn Minh Tuấn khẳng định.

Theo định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch, Cần Thơ phấn đấu đưa ngành du lịch vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt, đổi mới công tác quản lý điều hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình mới.

Nguồn: Vietnam Business Forum