Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

12:10:51 | 25/7/2022

Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự khởi sắc và đạt được nhiều thành quả tích cực dù đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua. Những ý tưởng đầy hứa hẹn khác cũng đã và đang được tỉnh nhà triển khai hiệu quả, hướng đến quyết tâm đưa du lịch trở thành 1 trong 5 mũi nhọn kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra, đặc biệt là phát triển du lịch chất lượng cao.

Tăng trưởng tích cực

Bà Rịa - Vũng Tàu là một cái tên đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng diện mạo ngành “công nghiệp không khói” của nước nhà. Bởi hiếm có một tỉnh thành nào hội tụ đầy đủ các yếu tố như có sông, biển, núi, suối nước nóng và cả hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt để phát triển du lịch như vùng đất này. Đặc biệt, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại nỗ lực trở mình khởi động kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch, đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn trong bối cảnh sống chung với Covid-19.

Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã từng nhận định: “Như vậy sau 2 năm hoạt động cầm chừng, phải “ngủ đông” vì dịch Covid-19, thì nay du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đang phục hồi mạnh mẽ”. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành đã đón và phục vụ 4.808.436 lượt khách, đạt 151,07% kế hoạch năm, tăng 10,29% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 1.113.289 lượt, đạt 90,29% kế hoạch năm, tăng 11,26% so với cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú đạt 69.789 lượt, đạt 89,47% kế hoạch năm, tăng 12,66% so với cùng kỳ.

Cần tạo điểm nhấn thu hút du khách

Theo ông Đỗ Phước Trung, đại dịch gây tác động tiêu cực lên ngành du lịch song cũng đồng thời tạo ra những cơ hội và khai mở những hướng đi mới đầy sáng tạo. Do vậy, xu hướng du lịch tỉnh cũng có những dịch chuyển nhằm tạo ra những cơ hội, những giá trị đáng ghi nhận. Đó là yếu tố an toàn dịch bệnh và thông tin về quy trình bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch được quan tâm hàng đầu. Cùng các xu thế du lịch ngắn ngày, tự túc (tự lái xe, tự liên hệ ăn nghỉ), đi theo nhóm nhỏ, du lịch nội tỉnh, nội địa; xu thế lựa chọn các điểm đến mới, có các hoạt động gần gũi với thiên nhiên, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực đang thu hút khách để tránh tiếp xúc đông người; xu thế ứng dụng công nghệ nhằm quản lý an toàn và các dịch vụ hạn chế tiếp xúc như đặt dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bán hàng tự động, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong đón tiếp, thuyết minh... đang dần phổ biến và thu hút khách hàng sử dụng.


Toàn cảnh Tropicana Park

Nắm bắt được điều này, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch tỉnh thông qua tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước. Ngành cũng đã bước đầu làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh để khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng các gói kích cầu; chương trình khuyến mãi; tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng để đón tiếp du khách. Trước mắt, trong năm 2022, tỉnh vẫn hướng đến thị trường nội địa; trong đó chú trọng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên để thu hút du khách với nhiều chương trình ưu đãi. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng chương trình liên kết giữa các đơn vị lữ hành và đơn vị lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh để xây dựng các tour trọn gói, các gói dịch vụ du lịch trong tỉnh; từ đó có thể tư vấn, phục vụ du khách tốt hơn. Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã liên kết chặt chẽ với du lịch TP.Hồ Chí Minh để đón và phục vụ khách du lịch quốc tế với phương thức: du khách nước ngoài đến TP.Hồ Chí Minh có thể tham gia tour trải nghiệm TP.Hồ Chí Minh và nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu” - ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh nói.

Hiện tỉnh cũng đang nỗ lực tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho lao động ngành du lịch về các kiến thức như: văn minh ứng xử, cấp cứu thủy nạn, ứng dụng công nghệ thông tin, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản trị nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên,... Từng bước hoàn thành số hóa mã QR cho các điểm di tích, danh thắng, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2). Đặc biệt, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch thông qua tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực du lịch cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, dự báo giai đoạn tới địa phương tiếp tục đón lượng lớn khách du lịch, do vậy ngành Du lịch tỉnh cần một điểm nhấn để giữ chân du khách. Đó không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chất xúc tác quan trọng để thúc đẩy kinh tế du lịch - dịch vụ địa phương phát triển mạnh và từng bước vươn tầm trở thành một điểm sáng về dịch vụ - du lịch mang tầm quốc tế.

Nguồn: Vietnam Business Forum