10:16:25 | 14/9/2022
Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường ngoài nước ngày càng sôi động sau dịch Covid-19.
Theo Bộ Công Thương, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, quan hệ thương mại với 230 quốc gia, đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Vì vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA như: Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, EU, Trung Quốc, Asean, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Kết nối doanh nghiệp đi vào chiều sâu
Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu trực tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu đang được tập trung triển khai rộng rãi. Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trường Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này đã và đang phối hợp với hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua tổ chức chuỗi trên 60 phiên tư vấn thị trường cho doanh nghiệp xuất nhập Việt Nam hỗ trợ cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong khuôn khổ “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu”.
Việc tập trung ưu tiên cho hoạt động hỗ trợ, tư vấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ XTTM cho doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức XTTM Trung ương và địa phương giúp lan tỏa, nhân rộng phạm vi, quy mô hỗ trợ của Chính phủ về hoạt động XTTM tới cộng đồng doanh nghiệp hơn trước đây. Theo ông Lê Hoàng Tài, các hiệp hội ngành hàng quan tâm đặc biệt tới việc định vị, xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu, xác định thị trường mục tiêu để xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng cho phù hợp đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh xúc tiến thương mại trực tiếp, các hoạt động xúc tiến trực tuyến cũng được chú trọng. Ông Lê Hoàng Tài cho biết hệ thống các cơ quan XTTM đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM qua đó đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thích nghi dần và triển khai thác các lợi thế của XTTM trên môi trường số. Các hoạt động XTTM này đã kết nối hàng triệu lượt doanh nghiệp của Việt Nam với nước ngoài, các nhà nhập khẩu, hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong XTTM mà vẫn duy trì quan hệ khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, khách hàng mới, khách hàng tiềm năng để tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hoạt động XTTM trực tiếp ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Ông Lê Hoàng Tài cho biết, việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM gồm nền tảng hệ sinh thái XTTM số; nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế; nền tảng hội chợ, triển lãm ảo; nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp XTTM. Triển khai các hoạt động hợp tác với các sàn TMĐT.
“Thời gian qua, chúng ta đã triển khai hợp tác với một số sàn TMĐT quốc tế như Amazon, Alibaba trên cơ sở đó vận hành “Gian hàng quốc gia Việt” trên các nền tảng này. Thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tiếp cận hệ thống TMĐT cho thấy hiệu quả khả quan”, ông Lê Hoàng Tài nhận định.
“Phủ sóng” các kênh XTTM trực tuyến và trực tiếp
Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Đặc biệt việc nhập khẩu vật tư, nguyên liêu, máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài ngoài cũng được coi trọng như một giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Nobuyuki Matsumoto, trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM đã chia sẻ các doanh nghiệp Nhật đang tìm kiếm những đối tác nội địa có thế mạnh để cung cấp nguyên liệu hoặc linh kiện nội địa Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đại diện AJC mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam những công nghệ tiên tiến để cùng nhau xây dựng các hệ thống kinh tế tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững với môi trường.
Trong chương trình xúc tiến nông nghiệp Việt Nam- Nhật bản, ông Kubo Yoshitomo - Phó trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết JICA đang triển khai các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đầu tư của khu vực tư nhân vào các địa phương. Chương trình sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên trao đổi thông tin nhu cầu thị trường cho người sản xuất và người kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chuỗi giá trị thực phẩm, từ đó thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp địa phương.
Do tham gia các diễn đàn kết nối, nhiều doanh nghiệp địa phương đã tiếp cận được các nguồn đầu tư tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, với sự hỗ trợ và kết nối từ các chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản, tỉnh Nghệ An có thêm một kênh quan trọng, giúp cho việc kết nối hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp 2 bên thuận lợi hơn. “Đây cũng là dịp kết nối, mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Nghệ An, và hy vọng sẽ có nhiều hợp đồng được ký kết trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.
Ở chiều nhập khẩu, nhiều công ty mua hàng Việt đã quan tâm chú ý tới các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản do JETRO Hà Nội tổ chức, trong đó có triển lãm trưng bày hàng mẫu sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm Nhật Bản.
Đối với thị trường Hàn Quốc, đại diện Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) cho biết cơ quan này đang có chương trình "Kết nối Hàn Quốc" để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các khoản vay dài hạn, mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới.
Đối với kênh xúc tiến trực tuyến, thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua, ngành công thương các tỉnh, thành trên cả nước như: Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bình Định, Cần Thơ… đã đẩy mạnh việc tận dụng sàn TMĐT để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.
Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải thông tin, từ nay đến hết năm 2025 đơn vị sẽ phối hợp với các sàn TMĐT triển khai “Chương trình hỗ trợ DN ứng dụng thương TMĐT quốc gia - GoOnline.gov.vn”, qua đó hỗ trợ 200.000 DN sử dụng các ứng dụng TMĐT như: Chuyển đổi số ứng dụng phần mềm; ứng dụng thanh toán điện tử; xây dựng chuỗi bán hàng đa kênh..
Thống kê từ Alibaba cho thấy hiện có khoảng 2.000 DN Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng.Có thể thấy, thông qua TMĐT các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. Báo cáo này nhận định, TMĐT sẽ là một ngành hàng xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI