15:44:05 | 3/10/2022
Những năm trở lại đây, Tiền Giang là một trong những tỉnh nằm trong tốp 10 của cả nước về chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index). Tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt và phát triển chuyển đổi số (CĐS) toàn diện.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đến thăm và làm việc tại Công viên phần mềm Mekong
Phát triển hạ tầng viễn thông
Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông tại Tiền Giang đã có những bước phát triển vượt bậc, mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như sẵn sàng cho xây dựng chính quyền số, CĐS của tỉnh.
Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 87,4%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,3%. Tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối mạng đạt 100%.
Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh Tiền Giang có 16 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính với 283 điểm phục vụ. Số người dân được phục vụ bình quân của một điểm phục vụ bưu chính: 6.343 người/1 điểm; bán kính phục vụ đạt 1,672 km/1 điểm phục vụ.
Hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) phát triển mạnh. Toàn tỉnh có 4.977 trạm (1.290 trạm 2G; 1.814 trạm 3G và 1.873 trạm 4G); 100 xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang, internet băng rộng.
Hệ thống thông tin được triển khai đồng bộ, rộng khắp từ tỉnh huyện, xã kể cả 2 khối giáo dục và y tế, trong đó đặc biệt Hệ thống “Văn phòng điện tử”, Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống y tế điện tử, Hệ thống quản lý trường học,… đã triển khai bao phủ, phục vụ nhu cầu giao dịch với người dân.
Thúc đẩy CĐS toàn diện
Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 370 về CĐS giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ CĐS giai đoạn 2022 - 2025. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Tiền Giang; ban hành quy chế hoạt động cụ thể của từng đơn vị nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo CĐS trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. VNPT Tiền Giang đã đồng hành công tác CĐS cùng với UBND tỉnh từ tháng 12/2021 khai trương hệ thống nền tảng chính quyền số với các hệ thống cụ thể (App di động phục vụ công dân, chính quyền, hệ thống phòng chống mã độc, Camera thông minh,…)
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS, Tiền Giang cũng tăng cường thông tin trên nhiều phương thức như: xây dựng Chuyên trang CĐS của tỉnh (http://chuyendoiso.tiengiang.gov.vn), chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (https://tiengiang.gov.vn/chuyen-doi-so), Báo điện tử (http://www.baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/chinh-quyen-dien-tu),...
Nhờ vậy, thời gian qua, nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng được hoàn thành, góp phần đẩy mạnh hoạt động CĐS của tỉnh như: Hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến được tiếp tục triển khai đồng bộ, liên thông, thống nhất trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, phục vụ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; hệ thống hội nghị trực tuyến hai chiều di động (giải pháp mềm) được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Ngoài ra, Trung tâm điều hành thông minh được đưa vào sử dụng, là nền tảng tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh vào hệ thống nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Tỷ lệ người dân khai thác, sử dụng ứng dụng nền tảng TienGiangS trên thiết bị di động ngày càng nâng cao (gần 300.000 lượt người dùng tải về).
Theo Báo cáo chỉ số đánh giá CĐS (Digital Transformation Index - DTI) năm 2020, tỉnh Tiền Giang xếp hạng 06 cả nước về mức độ CĐS. Tỉnh Tiền Giang còn là một trong 23 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kết nối phục vụ công tác CĐS đối với các lĩnh vực quan trọng như: Y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên môi trường, nông nghiệp,...
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định; thúc đẩy kinh doanh số, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số;…
Đặc biệt, tỉnh xúc tiến mời gọi đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp vào Khu Công viên phần mềm MeKong ITP (trên 7ha, tại Thành phố Mỹ Tho); Triển khai đề án CĐS đối với Đại học Tiền Giang nhằm hướng đến xây dựng đại học số, đào tạo cung ứng nhân lực số; tiếp tục xây dựng và triển khai đề án xây dựng Thành phố Mỹ Tho thành đô thị thông minh.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)