12:46:27 | 27/10/2022
Ngày 27/10, tại Bình Dương, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm hoạt động của Nhóm Nòng cốt đa bên thực hiện Hiệp định Đối tác Tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT).
Đại diện Nhóm nòng cốt đa bên VPA/FLEGT chụp hình với các đại biểu tham dự tại Lễ kỷ niệm.
Nhằm đảm bảo thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT hiệu quả và thành công thì sự tham gia tích cực của các bên liên quan là yêu cầu quan trọng. Với tầm quan trọng đó, Nhóm Nòng cốt đa bên về VPA FLEGT (viết tắt: Nhóm Nòng cốt) đã được thành lập và tổ chức họp lần thứ nhất vào tháng 10/201. Nhóm Nòng cốt cung cấp diễn đàn để các bên liên quan phối hợp và tham gia triển khai thực hiện Hiệp định VPA FLEGT.
Tại Hội thảo, Giáo sư Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: “Trong thời gian tới, nhóm Nòng cốt cần tập trung vào vào các lĩnh vực hoạt động. Đầu tiên là tăng cường tổ chức. Thứ hai là xác định các vấn đề, nội dung và chủ đề để thực hiện Hiệp định. Và thứ ba là tham vấn và phản biện. Cuối cùng, là tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về quá trình thực hiện VPA FLEGT tại Việt Nam”.
Giáo sư Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
Nhóm nòng cốt đa bên VPA/FLEGT được thành lập vào tháng 10/2018 với sự tham gia của các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội, khu vực tư nhân và các đối tác. Nhóm đóng vai trò điều phối và thúc đẩy sự tham gia của các bên vào quá trình thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Đây là Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản được Việt Nam ký kết với Liên minh Châu Âu (EU). Mục đích đưa ra những ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.
Tính đến nay, nhóm nòng cốt đa bên VPA/FLEGT có sự tham gia tích cực và hiệu quả của hơn 40 thành viên đại diện cho 6 nhóm tổ chức khác nhau, bao gồm khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành gỗ, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, đối tác phát triển quốc tế và các cơ quan xác minh.
Trong 5 năm hoạt động, Nhóm Nòng cốt đã tổ chức 11 phiên họp, những đóng góp chính gồm xây dựng (1) kế hoạch hành động về truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA FLEGT (2) Khung giám sát và đánh giá việc thực hiện VPA FLEGT, (3) Văn bản quy phạm pháp luật, và (4) tuyên truyền, nâng cao năng lực... Một số tổ chức là thành viên của Nhóm Nòng cốt cũng cùng phối hợp xây dựng Bản tin Chính sách có nội dung chính là Hê thống Phân loại doanh nghiệp của Việt Nam (ECS), đây là môt bước tiến quan trọng trong tiến trình thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS). Hệ thống này sẽ góp phần tăng giá trị thương mại, mở rộng thị phần và thị trường cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đồng thời cũng giảm tải cho công việc xác minh và kiểm tra của các cơ quan chức năng trong tương lai sau khi hệ thống cấp phép FLEGT đi vào vận hành.
Ông Cao Chí Công, Đồng Chủ tịch Nhóm Nòng cốt nhận xét: “Bản tin chính sách mà Nhóm Nòng cốt đã xây dựng và công bố đã cho thấy những bất cập và rủi ro tiềm ẩn trong việc thực hiện các quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm người lao động và an toàn lao động trong các doanh nghiệp gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong bối cảnh thực hiện VPA FLEGT”.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định: “Việc thành lập và hoạt động của Nhóm nòng cốt đa bên VPA/FLEGT đã được các bên liên quan của chính phủ Việt Nam và EU đánh giá cao, coi đây là một sáng kiến quan trọng. Nhóm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thành công của tiến trình thực hiện Hiệp định, góp phần giúp phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam".
Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, đại diện Ngân hàng Tái thiết Đức tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, ông Phạm Văn Điển Chủ tịch, và ông Cao Chí Công, Đồng chủ trì nhóm Nòng Cốt
Gỗ và sản phẩm từ gỗ là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này ngày càng gia tăng trong suốt thập kỷ qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng từ 3,4 tỷ USD trong năm 2010 lên đến 14,5 tỷ USD trong năm 2021, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới. EU là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỷ đô la Mỹ, chiếm 9,2 % thị phần xuất khẩu. Cả nước hiện có gần 14.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc và các sản phẩm khác từ gỗ với quy mô khác nhau, tạo ra hơn 500.000 việc làm dài hạn cho người lao động. Kết quả này góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)