09:29:32 | 21/11/2022
Phú Yên là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tỉnh Phú Yên thực hiện hiệu quả.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Là 1 trong 28 tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế biển, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, theo đó phấn đấu đưa Phú Yên thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế Biển; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên…
Qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển, cụ thể: Tỉnh Phú Yên đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; tập trung rà soát, thống nhất, tích hợp toàn bộ quy hoạch ngành vào quy hoạch tỉnh, trong đó chú ý về quy hoạch các địa phương ven biển, định hướng liên kết phát triển kinh tế liên vùng, liên tỉnh; từng bước củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển quan trọng đột phá như: Ngành thủy sản, du lịch, vận tải biển, năng lượng,… đặc biệt là Khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên.
Theo ông Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh có bờ biển dài 189km, nhiều vùng, vịnh, đảo và cụm đảo gần bờ; vùng đặc quyền kinh tế biển hơn 34.000km; sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt hơn 60.000 tấn với nhiều loại thủy sản giá trị. Đây là tiềm năng, thế mạnh để Phú Yên đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch biển đảo, nuôi biển, khai thác, đánh bắt thủy sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển giao thông, cảng biển.
Với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế biển của đất nước, các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng có nhiều tiềm năng, cơ hội, cũng như điều kiện để bứt phá, chuyển mình vươn lên, xây dựng tỉnh Phú Yên giàu mạnh, văn minh.
Xây dựng mô hình kinh tế biển trọng điểm
Những năm gần đây, tỉnh Phú Yên tập trung nghiên cứu các mô hình kinh tế biển đã thành công trong nước để đưa ra định hướng phát triển cho khu kinh tế. Trong đó, có Khu kinh tế nam Phú Yên trải dài khoảng 50km đường bờ biển, diện tích hơn 21.000ha, hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng, lợi thế để phát triển thành khu kinh tế trọng điểm, động lực của địa phương. Đây cũng là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.
Trong những năm qua, chính quyền tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình dự án quan trọng, bước đầu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế và các khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương phê duyệt tại các quy hoạch như Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Nam Trung Bộ ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm nam Phú Yên-bắc Khánh Hòa); Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung đến năm 2020. Đối với địa bàn Phú Yên, Trung ương cần sớm quan tâm đầu tư hạ tầng các tuyến đường bộ cao tốc từ Phú Yên lên Tây Nguyên và hỗ trợ đầu tư các tuyến đường bộ ven biển, tạo động lực cho Phú Yên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Trong chuyến làm việc với tỉnh Phú Yên mới đây, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục. Đó là Phú Yên sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý, phát triển địa phương. Mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh phải theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển.
“Tỉnh Phú Yên phải chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của địa phương là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực nam Phú Yên-bắc Khánh Hòa, bắc Phú Yên-nam Bình Định và Phú Yên-Tây Nguyên. Phát triển hành lang kinh tế dọc quốc lộ 25, quốc lộ 29, quốc lộ 19C, đường đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên; kết nối với khu vực đông bắc Campuchia và nam Lào, trong đó Phú Yên là một trong các cửa mở ra Biển Đông”, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum