Thúc đẩy đầu tư PPP trong các dự án đường cao tốc tại Việt Nam

15:34:36 | 10/11/2022

Trong những năm qua, các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Việt Nam có 5.000km đường cao tốc, lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ trong nước có dư địa phát triển rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư các dự án công trình giao thông theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam cần chi trung bình khoảng 25 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu chỉ trông đợi vào nguồn vốn Nhà nước chắc chắn sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai. Chính vì vậy cần phải huy động tối đa và hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân. Để thu hút khu vực tư nhân thì cần có cơ chế, chính sách, sự thực thi và quản lý hiệu quả, đồng bộ từ TW cho đến địa phương để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khu vực công và khu vực tư. Luật PPP ra đời được coi là sự thúc đẩy to lớn về mặt chính sách, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng.

Một trong những dự án quan trọng thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng là các dự án đường cao tốc mà điển hình là đại dự án Cao tốc Bắc Nam. Thực tiễn triển khai các dự án PPP vẫn những bất cập cần được giải quyết kịp thời và triệt để, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính để họ tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đất nước.

Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho 8 dự án PPP, hợp đồng BOT đã đưa vào khai thác, do không được thu phí hoặc doanh thu sụt giảm quá lớn, nhà đầu tư nguy cơ lâm vào phá sản. Trong đó có phương án chấm dứt hợp đồng trước hạn, thanh toán chi phí hợp pháp cho nhà đầu tư.

Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư dự án hầm Đèo Cả, một trong 8 dự án gặp khó khăn, vướng mắc, dự án này gồm chuỗi hầm (hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân), sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, trong đó có trạm trên cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018 nhưng bị chậm tiến độ, đồng thời, chính sách pháp luật thay đổi dẫn đến không thực hiện thu phí được. Từ năm 2018 đến nay nhà đầu tư không có nguồn tài chính bù đắp trong khi vẫn phải thực hiện trách nhiệm trả nợ. Chính phủ đề nghị bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng để hỗ trợ nhằm bảo đảm phương án tài chính cho dự án.

Một số dự án cũng gặp sụt giảm doanh thu quá lớn do không được thu phí, đơn cử như dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), gồm 2 hợp phần là cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 và xây dựng tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, đưa vào sử dụng từ năm 2017. Do không được thu phí trên Quốc lộ 3, chỉ thu trên tuyến mới nên doanh thu thực tế đến tháng 8-2022 đạt 8,7% trên tổng phương án tài chính.

Các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp tháo gỡ, không chỉ giải cứu cho các dự án đang mắc kẹt, cứu các nhà đầu tư, không dẫn tới nguy cơ phá sản mà còn tạo niềm tin để huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt với các công trình trọng điểm quốc gia và nhiều công trình quan trọng của các địa phương.

Nguồn: Vietnam Business Forum