Vĩnh Phúc: Tạo nhiều cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

14:18:34 | 16/12/2022

Khẳng định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ và xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối doanh nghiệp…

Ước năm 2022, Vĩnh Phúc có 13.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn trên 160 nghìn tỷ đồng, trong đó DNNVV chiếm khoảng 98%. Để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể: Năm 2022, Cục Thuế tỉnh đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt gần 2.000 tỷ đồng cho DN; giảm hơn 145 tỷ đồng lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước; các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho gần 3.000 DNNVV vay vốn với dư nợ hơn 22.000 tỷ đồng. Tỉnh đã phê duyệt cho 1.092 doanh nghiệp, đơn vị với hơn 35.700 người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng…

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2204 về phê duyệt Đề án hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ thông tin, pháp lý; tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp... hỗ trợ 50% chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp kỹ thuật chuyên sâu cho doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi và hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Bám sát nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương đang tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nội dung Đề án; hỗ trợ tư vấn DN chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quản trị; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp mới thành lập trên các phương tiện truyền thông của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ; kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 50% DNNVV sử dụng nền tảng số; giải quyết việc làm mới cho 7.700 người lao động/năm; phát triển hình thành khoảng 5 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 5 ngành tiềm năng và nộp ngân sách Nhà nước tăng 7-10%/năm so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ triển khai linh hoạt các chính sách hỗ trợ của tỉnh, Trung ương đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Các DNNVV đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu ngân sách và tạo việc làm cho gần 80.000 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Mạnh Dũng (Vietnam Business Forum)