09:38:59 | 22/12/2022
Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư theo đối tác và địa chỉ cụ thể, tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng “xúc tiến tại chỗ” thông qua hỗ trợ hiệu quả các dự án đang triển khai trên địa bàn, tháo gỡ những “nút thắt” về môi trường đầu tư, kinh doanh. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Thu Thủy - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang về nội dung này.
Những đánh giá của bà về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh Bắc Giang thời gian qua?
Thời gian qua, Bắc Giang đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, qua đó thu hút nhiều DN lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Tính đến ngày 30/11/2022, toàn tỉnh đã thu hút được trên 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, cấp mới 26 dự án DDI (vốn đăng ký 6.731 tỷ đồng), 36 dự án FDI (vốn đăng ký 444,4 triệu USD); điều chỉnh 9 dự án DDI (vốn đăng ký tăng thêm 438,2 tỷ đồng), 43 dự án FDI (tổng vốn tăng thêm 628,85 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.360 dự án DDI (vốn đăng ký 102.146 tỷ đồng); 516 dự án FDI (vốn đăng ký 7,35 tỷ USD). Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước trong 10 tháng đầu năm ước đạt 4.231 tỷ đồng; vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng trên 710 triệu USD.
Riêng về FDI, Bắc Giang hiện xếp thứ 9 cả nước, sau các địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics,... Hiện có 27 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó lớn nhất là Trung Quốc với trên 170 dự án (tổng vốn đăng ký 3,41 tỷ USD); kế đến là Hàn Quốc (trên 300 dự án và số vốn đăng ký đạt 2,1 tỷ USD).
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.488 DN và 145 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021 với tổng vốn đăng ký 26.830 tỷ đồng, tăng 18% và có 472 DN quay trở lại hoạt động. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13.537 DN, 1.509 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động. Trong đó, có khoảng trên 42% DN hoạt động có hiệu quả, 40% DN hoạt động cầm chừng, 18% DN mới đăng ký, đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục gia nhập thị trường.
Để có được những kết quả ấn tượng nêu trên đó là trong những năm qua tỉnh Bắc Giang luôn thể hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng DN”; không ngừng nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); các cấp, các ngành trong tỉnh luôn chủ động gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó kịp thời tháo những khó khăn, vướng mắc cho DN, từ đó tạo dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư, điều đó được thể hiện thông qua việc các nhà đầu tư đang đầu tư trên địa bàn không ngừng điều chỉnh đăng ký tăng tổng vốn đầu tư thêm.
Để thực hiện các mục tiêu: Vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 đạt 230.500 tỷ đồng, thành lập mới 6.900 DN, để đến năm 2025 trên địa bàn có 17.700 DN, tỉnh Bắc Giang đang tập trung vào các nhiệm vụ nào, thưa bà?
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 26/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND về Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao PCI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch có mục tiêu tổng quát: Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nâng cao PCI,... Cùng với đó, Kế hoạch cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện của DN giai đoạn 2021 - 2025 đạt 230.500 tỷ đồng, chiếm 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bao gồm cả vốn đầu tư trong nước (DDI) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thành lập mới thêm 6.900 DN, đến năm 2025 tổng số DN trên địa bàn là 17.700 DN.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, chính quyền thân thiện, mến khách. Đồng thời, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo thêm thế và lực cho phát triển; tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistics, kho bãi để phát huy lợi thế của trung tâm đầu mối về thương mại vận tải kho bãi của vùng.
Tỉnh luôn cam kết tạo lập môi trường đầu tư tốt nhất cho các DN, nhà đầu tư bằng việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh đối với một số lĩnh vực cụ thể.
Không ngừng cải cách TTHC thông qua việc đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC của các cơ quan đơn vị trên địa bàn, đặc biệt là các TTHC liên quan đến DN, nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thành lập DN cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Ký kết hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang và Tập đoàn Hòa Phát
Công tác quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư được tỉnh Bắc Giang quan tâm ra sao trong thời gian tới, đâu là nét mới nổi bật?
Hằng năm, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình Xúc tiến đầu tư trên cơ sở bám sát các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong việc thu hút đầu tư, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn; không ngừng đổi mới phương thức, cách thức quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đưa ứng dụng QRcode vào trong việc xây dựng các tài liệu Xúc tiến đầu tư. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án thông tin chuyên biệt về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, đưa hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư đi vào hệ thống, bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang còn tập trung đẩy mạnh làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc kiện toàn lại Ban chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển DNcủa tỉnh; yêu cầu các sở, ngành chủ động trong việc nắm bắt và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN, rà soát, tăng cường phân cấp, ủy quyển cho các cơ quan, địa phương; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án giúp cho các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động,...
Năm 2021, Chỉ số Gia nhập thị trường của Bắc Giang đạt 6,76 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố (giảm 0,23 điểm, tăng 19 bậc so với năm trước). Bà có đánh giá thế nào về kết quả này? Sở đã và đang tham mưu, thực hiện giải pháp nào để cải thiện Chỉ số Gia nhập thị trường trong thời gian tới?
Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” năm 2021 của tỉnh tuy giảm 0,23 điểm, nhưng tăng 19 bậc, thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc cải thiện thứ hạng chỉ số trên.
Sau khi kết quả PCI năm 2021 được công bố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 418/KH-UBND ngày 07/7/2022 về Nâng cao PCI năm 2022; trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối phụ trách nâng hạng chỉ số thành phần “Gia nhập thị trường” các Sở Công Thương, Sở Nội vụ đồng chủ chì các chỉ tiêu thành phần.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Sở đã đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch hành động, đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao điểm số các chỉ tiêu trong chỉ số thành phần “Gia nhập thị trường”.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh và đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện một số giải pháp như:
Thực hiện việc phân cấp, phân công, ủy quyền tối đa cho công chức, viên chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận một cửa của UBND cấp huyện/thành phố. Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC với nguyên tắc “5 tại chỗ”: Tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - đóng dấu - trả kết quả tại cấp tỉnh, cấp huyện; nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC các cấp, giảm thời gian đi lại, chờ đợi, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN.
Tham mưu UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Đăng ký thành lập DN, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng,...
Đề nghị Sở Công Thương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở nhằm cắt giảm thời gian giải quyết và đưa vào thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Công khai danh mục và nội dung chi tiết TTHC mới sửa đổi, bổ sung, thay thế lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như an toàn thực phẩm, đa cấp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, sản xuất rượu.
Đề nghị Phòng chuyên môn thuộc Sở triển khai thực hiện việc liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN. Thay vì thực hiện 4 thủ tục đăng ký thành lập DN, khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in một cách riêng lẻ tại 4 cơ quan khác nhau, DN chỉ cần thực hiện một thủ tục duy nhất tại một cơ quan đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)