09:53:35 | 10/1/2023
Năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai theo từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương cụ thể. Mặc dù sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp cần tận dụng tốt những cơ hội này và chọn cho mình con đường CĐS phù hợp để nâng cao tính cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững.
CĐS vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Không chỉ là xu hướng, CĐS đang là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực toàn cầu.
Tính đến đầu tháng 5/2022, Việt Nam có 63/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS, 55/63 địa phương ban hành nghị quyết về CĐS và 59/63 địa phương đã ban hành chương trình/ đề án hoặc kế hoạch CĐS trong giai đoạn 5 năm. Song song đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này để đẩy mạnh CĐS, mang đến lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tính đến nay, chương trình CĐS quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 03 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu CĐS. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân.
Bên cạnh đó, hoạt động CĐS trong doanh nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng CĐS trong vận hành để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số được chú trọng. Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế số. Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như: Viettel, VNPT, FPT, CMC BKAV, MISA,… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, nền tảng công nghệ phục vụ CĐS quốc gia.
Ông Tiến cho biết thêm, CĐS đang đi nhanh và đúng hướng, quyết liệt đưa công nghệ vào các mặt của đời sống kinh tế - xã hội giúp thúc đẩy CĐS quốc gia, tỷ trọng kinh tế số trong GDP gia tăng. Theo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường CĐS phù hợp. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ. Việt Nam vẫn chưa hình thành các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ, qua đó giúp doanh nghiệp có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp cũng như có giải pháp toàn diện.
Ngoài ra, nguồn lực tài chính cho CĐS hạn hẹp cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, có đến 55,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất.
Đặc biệt, sự hỗ trợ của Chính phủ còn hạn chế đối với các doanh nghiệp số hoặc doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào các công cụ số. Hỗ trợ từ khu vực công vẫn chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thay vì cho nâng cấp công nghệ và thương mại hóa công nghệ.
Cần một hệ sinh thái toàn diện
Theo các chuyên gia, năm 2023 được dự báo là năm khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm nên xu hướng CĐS sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra mô hình kinh doanh mới sẽ gắn liền với khái niệm về hệ sinh thái số. Một hệ sinh thái bao gồm các giải pháp, ứng dụng và hệ thống nội bộ, các đối tác, các công nghệ liên quan sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong hành trình CĐS. Hiểu và đánh giá đúng tiềm năng này đã và đang là động lực cho nhiều doanh nghiệp hướng đến xây dựng hệ sinh thái ngày một lớn mạnh và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, xu hướng CĐS cũng sẽ được chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, nền công nghiệp 4.0. Đó là việc mở rộng hạ tầng kỹ thuật số, sử dụng mô hình tự động hóa cho sản xuất và áp dụng các công nghệ mới để kinh doanh hiệu quả hơn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp có xu hướng yêu cầu bảo mật dữ liệu cao, để đảm bảo tất cả dữ liệu chỉ được lưu trữ trong mạng nội bộ của công ty.
Nắm bắt được các xu hướng này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp đi tắt, đón đầu thực hiện CĐS toàn diện và mang lại hiệu quả cao. Hiện nay có rất nhiều các giải pháp công nghệ trên thị trường, tuy nhiên không phải giải pháp công nghệ nào cũng phù hợp với tất cả. Doanh nghiệp cần tham khảo và tìm hiểu để có sự lựa chọn đúng đắn nhất với quy mô và lĩnh vực của mình.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết: Các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, giải pháp CĐS chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, Blockchain,… và đang nỗ lực hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp CĐS cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược CĐS, hiện các doanh nghiệp Việt Nam nói nhiều về vấn đề CĐS, nhưng làm thế nào với mỗi doanh nghiệp có quy mô và năng lực khác nhau lại là một câu chuyện cần xem xét và bàn bạc kỹ lưỡng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã xác định, CĐS là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Việc phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 phụ thuộc không nhỏ vào kết quả CĐS quốc gia. |
Trong thời đại kinh tế số, quy mô lớn hay nhỏ không quan trọng mà quan trọng là “đi nhanh hay đi chậm”. Doanh nghiệp cần nhìn nhận chính mình, định hình lại, với nguồn lực và điều kiện của mình, để từ đó lựa chọn cách tiếp cận, cả về tài chính, quản lý nhân sự, marketing, mô hình thứ bậc sang mô hình nền tảng;...làm sao tối ưu được nguồn lực, công cụ doanh nghiệp đang có.
Thu Hà (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI