Theo PGS.TS Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế, “cái giá” của việc giữ ổn định tỷ giá là không đơn giản khi chúng ta phải tăng lãi suất điều hành 2 lần trong vòng 1 tháng với biên độ tăng 1%/lần.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp
Đơn hàng sụt giảm
Theo vị chuyên gia, mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất điều hành của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia khác trên thị trường. Trong khi các nước lạm phát cao hơn lãi suất điều hành thì Việt Nam ngược lại. “Câu hỏi đặt ra lúc này là Việt Nam có nên theo đuổi mục tiêu quá cứng nhắc như vậy hay không khi các nền kinh tế khác khá linh hoạt và doanh nghiệp trong nước phải trả chi phí vốn vay quá đắt so với các nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt đặt câu hỏi.
Ngoài ra, nhìn vào số thu ngân sách năm 2022, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, đơn hàng doanh nghiệp sụt giảm thì thu ngân sách vẫn tăng gần 30% so với dự toán. Vì vậy, chuyên gia này lưu ý liệu chúng ta đặt dự toán quá thấp hay thu quá nhiều trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.
Một vấn đề được vị chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu tâm là sự suy giảm niềm tin của thị trường tài chính trong năm 2022. “Vì sao kinh tế thực tăng trưởng hơn 8%, tốt hơn nhiều quốc gia trong khu vực và cao nhất trong hơn 10 năm qua thì thị trường chứng khoán lại giảm điểm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là vấn đề cần được phân tích và lột tả để làm rõ bức tranh giữa nền kinh tế thực và thị trường tài chính”, ông Thọ Đạt nêu ý kiến.
Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Trần Thọ Đạt, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng có những tồn tại không xuất phát từ “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới mà từ chính quá trình hoạt động của doanh nghiệp và động thái quản lý của cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, đại diện Economica Vietnam lưu ý đến một chi tiết rằng Việt Nam đang “mấp mé” một chu kỳ suy thoái kinh tế mới, dù chưa ai khẳng định điều này song điều này đặt ra sự cần thiết về việc nhìn nhận hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay so với 10 năm trước để có biện pháp phù hợp.
Trong bối cảnh phải đối mặt với vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần trong dài hạn, Việt Nam đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, các chuyên gia của CIEM cho rằng cần phải đẩy mạnh thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Việt Nam.
Hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM), Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số cũng như số hóa trong cung cấp dịch vụ công. Những nỗ lực thúc đẩy thương mại không giấy tờ cũng nổi lên, đáng chú ý nhất là Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng đã thúc đẩy phát triển Cơ chế một cửa ASEAN, và đang cân nhắc/nỗ lực hợp tác rộng hơn, chẳng hạn như trong CPTA.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, đơn hàng doanh nghiệp sụt giảm thì thu ngân sách vẫn tăng gần 30% so với dự toán
Trên cơ sở này, đại diện CIEM đề xuất loạt vấn đề cần cân nhắc nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng về kỹ thuật và pháp lý cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, bao gồm: xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia, tăng cường kết nối, trao đổi dữ liệu liên quan tới thương mại xuyên biên giới với các nước trong khu vực, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan và hoàn thiện khung pháp lý trong hệ thống thanh toán ngân hàng, quản lý và thông quan hàng hóa...
Trong khi đó, TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để cỗ xe tứ mã dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước ta chạy trơn chu và nhanh hơn, chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp.
Sự tồn tại và phục hồi của doanh nghiệp là cơ sở tạo nên tăng trưởng kinh tế không chỉ năm nay mà còn của nhiều năm tới. “Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi kinh tế”, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để giảm áp lực dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
Xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung và dài hạn, chủ động đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả các tình huống phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Đồng thời, đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới. Đồng thời tăng cường năng lực quản trị tài chính, khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp