Thúc đẩy hỗ trợ cho DNNVV ngành công nghiệp hỗ trợ

16:01:52 | 17/1/2023

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là ngành thể hiện năng lực sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của sản xuất công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; đồng thời là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp trong nước, tạo khả năng tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế theo hướng tự chủ và tăng trưởng bền vững.

Nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển CNHT, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện phát triển công nghệ CNHT như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;… Mới đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới đang được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới, nhất là khi Covid-19 đang thay đổi nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất hiện hữu.

Với sự ra đời và dần được hoàn thiện của nhiều cơ chế, chính sách về đẩy mạnh và phát triển ngành CNHT đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Tính đến nay, cả nước có gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động với doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo; cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện và sản phẩm đầu vào cho các ngành sản xuất chính của đất nước như ngành sản xuất xe máy, ô tô, điện tử, cơ khí, chế tạo, dệt may, da giày,… và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, lĩnh vực và các tỉnh thành, trong cả nước cũng đã triển khai nhiều chương trình để phát triển CNHT. Tthời gian qua đã có nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế như các chương trình phối hợp với UNIDO, JICA, SMELink (USAID), IFC,… trong lĩnh vực CNHT với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam như Samsung, Toyota, Tập đoàn Trường Hải,… nhằm nâng cao trình độ các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo,... tạo nền tảng cho CNHT, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.


Nhiều cơ chế, chính sách về đẩy mạnh và phát triển ngành CNHT ra đời đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển

Vẫn còn nhiều hạn chế

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian dài, nhưng năng lực ngành CNHT của Việt Nam được đánh giá là còn rất hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ nội địa hóa mặc dù đã cải thiện hơn so với nhiều năm trước, nhưng vẫn còn thấp, cụ thể là: Đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa là từ 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy; tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may, da giày mới đạt khoảng 40% - 45%. Ở những ngành công nghệ cao, như ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nhiều, cụ thể lần lượt là 15% và 5%, trong đó phần lớn các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp FDI trong nước cung cấp.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tối ưu hóa trong sản xuất, nhằm giảm chi phí và đáp ứng linh phụ kiện kịp thời. Dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng ở các nước bị đứt gãy đã góp phần làm gia tăng nhu cầu tìm các nhà cung ứng tại chỗ. Thế nhưng việc tìm kiếm nhà cung cấp ở Việt Nam là rất khó khăn. Tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT được tổ chức vào tháng 11/2021 ở TP.Hồ Chí Minh, có đến 22 tập đoàn đa quốc gia, nhà sản xuất đã đưa ra nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục đặt hàng lên đến hơn 400 chi tiết linh kiện, như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa,… Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn của các đơn vị sản xuất nước ngoài mà các DN Việt Nam chưa thể đáp ứng được.

Đây thực sự là cơ hội và cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tự chủ sản xuất và cung cấp cho các ngành sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều kiện để nắm bắt cơ hội này là doanh nghiệp phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất bằng công nghệ hiện đại.

Trong những năm qua, cùng với các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, VCCI cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển CNHT, các hoạt động liên kết, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Qua thực tế triển khai các hoạt động, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Điều này có thể do yếu tố các

doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành CNHT đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), còn bị hạn chế về năng lực quản lý sản xuất, trình độ công nghệ, hay khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, cơ hội thị trường chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Trong khi đó, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất thường là yêu cầu vốn đầu tư lớn, dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến - chế tạo, nên nếu không tiếp cận được các nguồn vốn, tài chính phù hợp thì sẽ ảnh hưởng tới việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những thách thức nêu trên là thách thức không chỉ của cả nền kinh tế mà còn là thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, thách thức đối với các doanh nghiệp CNHT. Để phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững và tự chủ hơn, một mặt Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành những chính sách quan trọng, thiết thực để khuyến khích và tập trung nguồn lực của đất nước nhằm tạo điều kiện cho CNHT phát triển, mặt khác các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, CNHT cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn, cải thiện hiệu quả năng suất sản xuất, đổi mới công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở phạm vi rộng hơn, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và chính sách phát triển CNHT nói riêng theo hướng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và dễ tiếp cận nhất để khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm và quyết tâm hơn trong đầu tư phát triển CNHT, để nguồn lực của đất nước được huy động, phân bổ và đầu tư một cách hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã hội và nền kinh tế.

Bùi Trung Nghĩa

Phó Chủ tịch VCCI

Nguồn: Vietnam Business Forum