15:06:14 | 10/1/2023
Với những chính sách hỗ trợ của Thành phố, các địa phương và sự hưởng ứng của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hà Nội đang phát huy hiệu quả to lớn. Hiện Thủ đô Hà Nội đang là “ngôi sao sáng” trên bản đồ xây dựng NTM của cả nước. Để hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn cũng như các giải pháp thúc đẩy tiến trình này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM TP.Hà Nội.
Trong năm 2022, các địa phương của Hà Nội gặp thuận lợi, khó khăn gì khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thưa ông?
Sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được kết quả to lớn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đến nay, thành phố có 382/382 xã đã về đích NTM, 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây chính là bước đệm, tạo đà quan trọng cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm 2022, cũng như những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, năm 2022 lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo, dành nhiều cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, đã có nhiều chương trình, nghị quyết được ban hành như: Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…
Bên cạnh các thuận lợi trên, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng gặp một số khó khăn. Năm 2022, các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM đa phần là địa bàn vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp; tiêu chí đạt ở mức độ thấp. Trong khi đó, Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 lại đòi hỏi ở mức độ cao hơn, cần nhiều nguồn lực và thời gian thực hiện như: Mô hình NTM thông minh, đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực,… Theo Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu thu nhập bình quân đầu người cao hơn 10% so với xã NTM nâng cao, là tương đối cao so với nhiều xã,… Ngoài ra, một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và phân bổ nguồn vốn của Trung ương bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương.
Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM TP.Hà Nội đã tham mưu triển khai những nội dung nào để góp phần khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn này?
Văn phòng Điều phối đã chủ động tham mưu cho HĐND, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Thành phố, Sở NN&PTNT triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương; phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện đề xuất Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, quy định xã NTM kiểu mẫu, xóm NTM kiểu mẫu; hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Văn phòng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 về việc ban hành bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu TP.Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 3099/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 về việc ban hành bộ tiêu chí huyện NTM; quy định thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao TP.Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Tham mưu Sở NN&PTNT ban hành các hướng dẫn số: 226/HD-SNN, 227/HD-SNN,… về việc hướng dẫn phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí đạt chuẩn NTM các cấp giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022 với tổng kinh phí 1226,7 tỷ đồng,… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về
nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn được giữ vững.
Cùng với đó, Văn phòng cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành được giao phụ trách các tiêu chí chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch triển khai; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành trong thực hiện Chương trình. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai.
Đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP của Hà Nội
Năm 2022 là năm đầu tiên các xã được đánh giá, chấm điểm NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025. Hà Nội đặt mục tiêu có 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đến nay kết quả thực hiện mục tiêu đó như thế nào? Trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông?
Năm 2022, UBND Thành phố giao chỉ tiêu cho các huyện, thị xã hoàn thành 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, theo đăng ký của các huyện, thị xã, năm 2022 hoàn thành 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tăng gần 2,3 lần so với mục tiêu đề ra. Hiện nay, đoàn thẩm định Thành phố đã tiến hành thẩm định được 13 xã gồm: 03 xã thuộc huyện Ba Vì (Sơn Đà, Vạn Thắng, Tản Hồng); 04 xã thuộc huyện Hoài Đức (An Khánh, Đức Thượng, Kim Chung, Sơn Đà); 06 xã thuộc huyện Gia Lâm (Kiêu Kỵ, Dương Hà, Ninh Hiệp, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn) đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Thành phố bỏ phiếu công nhận các xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Còn 42 xã theo đăng ký của các huyện, trong thời gian tới đoàn thẩm định sẽ tiến hành thẩm định. Theo đánh giá của Văn phòng, số xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 sẽ vượt chỉ tiêu Thành phố giao.
Để hoàn thành mục tiêu Thành phố giao, các địa phương cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của người dân. Tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, trong đó các xã cần xác định rõ lĩnh vực cần thiết để tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Cùng với khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí, các địa phương cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thẩm định. Các sở, ban, ngành được giao phụ trách từng tiêu chí NTM chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các huyện, xã; hướng dẫn lập, hoàn thiện hồ sơ minh chứng kết quả các chỉ tiêu, tiêu chí do đơn vị được phân công phụ trách.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông hiện có của địa phương, đặc biệt là những vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết nhằm động viên, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.
Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tập trung cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực nhân dân trên địa bàn Thành phố, hy vọng các địa phương sẽ về đích theo đúng lộ trình đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.