14:59:17 | 10/1/2023
Với tư duy đổi mới và cùng hành động chuyển đổi mô hình sản xuất từ tăng trưởng về sản lượng, năng suất, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã chia sẻ về việc thực hiện chiến lược và các cam kết quốc tế nhằm triển khai “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 01/2022.
Bộ NN&PTNT phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp,... Điều này ảnh hưởng như thế nào tới định hướng phát triển nông nghiệp năm 2023 và những năm tiếp theo, thưa ông?
Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/07/2022. Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Cùng với chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường, ngành Nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.
Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân Việt Nam mà đã đứng vào Top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia. Bối cảnh mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ và sự bền vững của môi trường toàn cầu. Nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp
Theo ông, nông nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để bắt kịp với những xu hướng của thế giới như sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu?
Nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, điểm yếu như: Phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh,… Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn phải ứng phó với rất nhiều vấn đề đang đặt ra là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt, cực đoan khiến điều kiện sản xuất rất khó khăn. Biến động thị trường rất thường xuyên nhanh chóng. Dịch Covid-19 làm thị trường thay đổi hoàn toàn, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, hay xung đột Nga-Ukcraine cũng gây biến động nghiêm trọng cả đầu vào, đầu ra của ngành Nông nghiệp. Giá vật tư, phân bón, nhiên liệu gỗ tăng cao; xuất khẩu nông sản gặp khó khăn,... Biến chuyển xu thế tiêu dùng cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Thị trường Trung Quốc trước nay vẫn được xem là dễ tính, nhưng cũng đang ngày càng chặt chẽ, khắt khe. Thị trường nội địa cũng thay đổi với yêu cầu ngày một cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, xu thế tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến trên thế giới.
Ứng phó các vấn đề trên cần phải có chiến lược với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phải biến thành kế hoạch hành động của từng địa phương và sự thay đổi, quyết tâm thực hiện của từng người dân. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng, giúp đối phó các thách thức. Thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) vì một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và nâng cao giá trị là rất cần thiết, qua đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành Nông nghiệp Việt Nam sinh thái và bền vững.
Đâu là “thang thuốc” hiệu quả cho nông nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Đó là thay đổi phương thức phát triển nông nghiệp, thực tiễn cho thấy những thành công của nông nghiệp gần đây có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0. Ở đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một giải pháp tổng thể góp phần nâng cao hiệu quả toàn ngành, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả.
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Quản lý, giám sát nguồn gốc; từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số. Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp. Việt Nam cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai, tiến tới một nền nông nghiệp thông minh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI