14:34:05 | 10/1/2023
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Năm 2022, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và bối cảnh tình hình thế giới đang có những biến động phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được tăng trưởng kinh tế. Đóng góp vào những thành công đó phải kể đến sự nỗ lực to lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đã có những chia sẻ với Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.
Ông nhìn nhận như thế nào về những khó khăn, thách thức của các DN trong giai đoạn hiện nay, nhất là các DN hoạt động xuất nhập khẩu?
Cho đến nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn DN đang hoạt động; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực DN tuy đông về số lượng nhưng quy mô, tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 DN thành lập mới và quay trở lại thị trường thì có đến 7 DN tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực DN vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới ẩn chứa nhiều rủi ro và khó đoán định như hiện nay, cộng đồng DN đang bị rất nhiều thách thức bủa vây, trong đó nổi bật là “điểm nghẽn” về việc tiếp cận công bằng các nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh,…).
Cùng với đó, các DN mới khôi phục lại sản xuất trong thời gian ngắn sau Covid-19 lại đang đối mặt với những khó khăn về thị trường cũng như về tình hình khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó là sự điều chỉnh cơ cấu, tái cơ cấu lại của các DN đối tác, đứt gãy các đơn hàng, nên những biến động về thị trường, đối tác, thậm chí có cả khả năng suy giảm về những thỏa thuận hợp đồng trong thời gian tới có ảnh hưởng lớn đến sự sống còn và phát triển của DN. Số liệu thống kê cho thấy, việc giảm đơn đặt hàng mới (bao gồm cả đơn đặt hàng xuất khẩu) trong cuối năm và đầu năm sau dẫn đến tồn kho thành phẩm tăng. Kéo theo đó là khối lượng sản xuất giảm, đồng thời hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị ảnh hưởng. Nhiều DN đang rất “đau đầu” tìm kiếm nguồn cung đầu vào do thị trường trong nước và quốc tế thường trực trong tình trạng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu,…
Bước sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, các vấn đề về cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, xung khắc kinh tế Trung Quốc - Mỹ và phương Tây, xung đột Nga - Ukraine khả năng còn diễn biến phức tạp và khó lường. Việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trong giai đoạn này, cộng đồng DN rất cần sự chung tay vào cuộc của cơ quan quản lý. Qua đó, đảm bảo cộng đồng DN, các thành phần kinh tế được tiếp cận một cách bình đẳng tất cả các nguồn lực phát triển của xã hội từ nguồn vốn, đất đai, cơ hội phát triển cũng như cơ hội tiếp cận, tiếp xúc mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát diễn ra trên toàn cầu, nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng lên trong năm qua. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Số liệu thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện. Đặc biệt, tổng số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam lại tăng trên 15%. Điều này đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong cơ cấu vốn đầu tư các dự án, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo công nghiệp điện, điện tử ngày càng tăng, chiếm gần 60%, đặc biệt là năm qua xuất hiện nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực và hệ sinh thái của sản xuất chất bán dẫn, làm cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng chất lượng hơn. Các dự án quy mô lớn chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ.
Dự báo tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ còn rất nhiều khó khăn trong bối cảnh thế giới khó đoán định, nhưng về dài hạn, Việt Nam được các tổ chức nước ngoài đánh giá vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi đây là địa bàn quan trọng mà các nước hướng tới để thực hiện các hoạt động chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường khu vực ASEAN và thế giới.
Bởi vậy, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nhân lực, logistic, khả năng hấp thụ công nghệ và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là an toàn dịch bệnh sẽ là những vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết hiệu quả hơn nữa để thu hút được dòng vốn FDI.
Thưa ông, để DN vượt qua được những thách thức, khó khăn, hiện nay, cần phải giải quyết những tồn tại gì?
Điều đầu tiên chính là cần tăng cường khả năng tiếp cận và tận dụng tốt các gói hỗ trợ của nhà nước, ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, giảm tiền điện,… những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp để tháo gỡ vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của DN để các chính sách hỗ trợ DN phục hồi thực sự phát huy hiệu quả. Có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Đồng thời, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Cần xây dựng luật riêng về kinh tế tuần hoàn, gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chương trình phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Có chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.
Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp; có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.
Bên cạnh các giải pháp trên, VCCI đã có những giải pháp hỗ trợ gì để nâng cao sức cạnh tranh cho DN, hướng tới phát triển bền vững, thưa ông?
Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng DN Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
Thời gian qua, VCCI cũng đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam, đồng thời triển khai nghiên cứu, xây dựng các quy tắc đạo đức doanh nhân với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn cao cấp, các đơn vị nghiên cứu khoa học và đại diện doanh nhân, DN; cũng như tham khảo nhiều tài liệu, mô hình quốc tế và trong nước.
VCCI đã chính thức thông qua bộ “Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam”; trong đó, quy định 6 điều về đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Có thể nói, đạo đức doanh nhân, đạo đức người đứng đầu DN sẽ góp phần định hướng cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Những DN nào có văn hoá kinh doanh tốt, có sự quan tâm cụ thể, đầy đủ tới người lao động,... thì chắc chắn DN ấy sẽ có được nguồn lực mạnh, đủ khả năng chống đỡ với các sức ép từ bên ngoài.
Mục tiêu của VCCI là mong muốn các DN tư nhân - những đơn vị đã đăng ký chính thức theo Luật DN, đến năm 2025 sẽ có đóng góp 15% GDP, năm 2030 đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Cùng với đó, có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Đây là những mục tiêu lớn mà để biến nó thành hiện thực không phải là điều đơn giản, nhưng VCCI sẵn sàng nỗ lực, đồng hành cùng cộng đồng DN Việt Nam vượt qua thách thức, hướng đến tương lai tươi sáng hơn cho sự phát triển DN và phát triển kinh tế nước nhà.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lan Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI